Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Nếu Minh Phú đang hưởng lợi từ sức tiêu thụ tốt của thị trường tôm thế giới, thì Hùng Vương mới đây đã bị Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá rất cao, lên đến 3,87USD/kg.
Minh Phú vừa quay trở lại HoSE sau 4 năm tự nguyện rời sàn. Thời điểm rời sàn, Minh Phú được mệnh danh là "vua tôm" trong ngành thủy sản với khả năng "làm chủ cuộc chơi" trên thị trường và đến bây giờ chưa doanh nghiệp nào soán ngôi được "danh hiệu" ấy.
Lý do quyết định rời sàn chứng khoán là do Minh Phú muốn kêu gọi vốn với mục đích xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho ngành tôm, có thêm dòng tiền để đầu tư hướng đến doanh thu chạm mốc 1 tỷ USD. Minh Phú có 2 lựa chọn: phát hành thêm cổ phiếu hoặc gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Thời điểm đó, thị giá cổ phiếu của Minh Phú dao động quanh mốc 30.000đ/cp, và nếu phát hành sẽ có ngay phần thặng dư cổ phần sử dụng cho các mục đích kinh doanh. Tuy nhiên cùng lúc đó, một nhà đầu tư nước ngoài trả giá 50.000đ/cp, nhưng thời điểm đó vướng quy định room ngoại 49%.
Minh Phú đã chọn cách hủy niêm yết tự nguyện để né quy định trần room ngoại, đồng thời kỳ vọng có nguồn vốn lớn hơn so với phát hành, vì phát hành thêm chỉ thu về 900 tỷ đồng, nhưng hủy niêm yết để phát hành có thể thu được 1.500 tỷ đồng.
Minh Phú đã chọn đúng thời điểm thoái sàn vào lúc kết quả kinh doanh năm 2014 rất tốt, với lợi nhuận sau thuế gần 1.000 tỷ đồng.
Nhưng sau một năm rời sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của Minh Phú đi xuống, đã xuất hiện khoản lỗ gần 7 tỷ đồng. Một loạt yếu tố làm bệ đỡ cho con tôm Việt tăng sức cạnh tranh với các nước đột ngột đảo chiếu khiến việc kinh doanh của Minh Phú giảm.
Cũng vào thời điểm đó, việc kinh doanh của Hùng Vương "lên như diều gặp gió". Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương đã quyết định thực hiện các thương vụ M&A một loạt công ty trong ngành nhằm khép kín chuỗi giá trị, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác như thức ăn chăn nuôi, tôm, heo.
Với chiến lược ấy, cùng với bệ đỡ của thị trường, có thời điểm doanh thu và lợi nhuận của Hùng Vương tăng rất nhanh: nếu năm 2012, doanh thu gần 8.000 tỷ đồng thì các năm liền kề sau đó đã là trên 15.000 tỷ đồng.
Ông Minh cũng không giấu giếm mục tiêu sẽ là doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực cá tra, tôm và thức ăn chăn nuôi vì đang có lợi thế không nhỏ là chuỗi khép kín con giống - thức ăn - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hùng Vương phải bán Công ty Sao Ta (FMC), Công ty Việt Thắng (VTF) - 2 công ty con nhưng rất mạnh trong lĩnh vực tôm và thức ăn chăn nuôi, và một số dự án bất động sản. Mục đích của Hùng Vương không có gì khác hơn là trả các khoản nợ vay đến hạn.
Mặc dù năm 2017 Hùng Vương có doanh thu gần 16.000 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế đến 171 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sức ép về nợ rất lớn. Kết thúc năm 2017, các khoản nợ Hùng Vương phải trả lên gần 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 90%.
Ngành thủy sản và thức ăn chăn nuôi vốn sử dụng khá nhiều vốn lưu động nên dễ đẩy khoản nợ ngắn hạn lên cao. Việc tăng tốc các thương vụ M&A bằng các khoản vay nợ để mở rộng quy mô kinh doanh đang gây áp lực nặng nề lên các khoản nợ của Hùng Vương. Việc nhập quá nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi giá cao khiến ông Minh gánh thêm các khoản lỗ lớn, đã đẩy Hùng Vương vào tình thế rủi ro.
Mảng kinh doanh cá tra của Hùng Vương hiện không còn nhiều hanh thông. Thị trường Mỹ bị đánh thuế chống bán phá giá quá cao nên lợi nhuận không còn nhiều. Chưa kể sắp đến chương trình FarmBill của Mỹ có khả năng được hiện thực vào tháng 9 tới sẽ đẩy không chỉ Hùng Vương mà còn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thế khó.
Các thị trường khác được xem là "dễ tính" cho thủy sản Việt Nam thì gần đây liên tục dựng rào cản kỹ thuật, tung các chiêu bài "nói xấu" con cá tra Việt khiến kinh doanh không còn dễ. Sự khó khăn của Hùng Vương cũng dễ nhìn thấy khi tính đến hết năm 2017, hàng tồn kho lên đến 3.583 tỷ đồng.
Ngược lại, kết quả kinh doanh của Minh Phú ngày càng khởi sắc. Kết thúc năm 2017, doanh thu và lãi ròng của Minh Phú đạt lần lượt 15.665 và 639 tỷ đồng. Bệ đỡ cho thành công này là do thị trường Hoa Kỳ mà Minh Phú đang chiếm đến 41% tổng giá trị kim ngạch, đã đưa Minh Phú ra khỏi diện bị áp thuế chống bán phá giá.
Các thị trường khác như Canada, Nhật, Hàn Quốc, một số nước châu Âu vẫn tăng trưởng tốt, trong khi giá bán tôm của Minh Phú vào đây cao do có nhiều loại sản phẩm từ con tôm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thị trường Trung Quốc cũng đóng góp khá tốt vào doanh thu của Công ty.
Và với việc thị trường tiếp tục tăng trưởng tốt nên năm 2018 Minh Phú đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD với 700.000 tấn tôm thành phẩm.
Mặc dù đang gặp khó khăn ở thị trường Mỹ vì bị áp thuế chống bán phá giá cao, vốn chiếm 44% tỷ trọng giá trị kim ngạch, nhưng trong năm 2018, Hùng Vương vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Cơ sở cho điều này, Công ty đã tái cấu trúc nợ theo hướng tốt hơn và tăng trưởng các mảng kinh doanh khác, như bán cá giống, chăn nuôi heo giống, hệ thống kho lạnh...
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.