Tài chính

Tài sản vợ chồng ‘vua tôm’ Minh Phú sụt giảm sau tin mất 245 tỷ tại Eximbank

(VNF) - Riêng vốn hoá của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã "bốc hơi" 1.105 tỷ đồng sau thông tin bà Chu Thị Bình (Phó chủ tịch HĐQT MPC) mất 245 tỷ đồng tại Eximbank.

Tài sản vợ chồng ‘vua tôm’ Minh Phú sụt giảm sau tin mất 245 tỷ tại Eximbank

Tài sản vợ chồng ‘vua tôm’ Minh Phú sụt giảm sau tin mất 245 tỷ tại Eximbank.

Cụ thể, kể từ ngày xảy ra vụ việc tại Eximbank, cổ phiếu MPC đã liên tục giảm điểm. Trong phiên 26/2, MPC giảm tới 14.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất giá 14,45%. Đà giảm tiếp tục trong phiên 27/2 khi cổ phiếu này giảm thêm 2.300 đồng/cổ phiếu, xuống còn 96.000 đồng.

Như vậy, MPC đã mất giá 16.000 đồng/cổ phiếu kể từ thông tin người mất 245 tỷ đồng tại Eximbank được tiết lộ là bà Chu Thị Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc MPC. Tương ứng với mức giảm này, vốn hoá của MPC đã "bốc hơi" 1.105 tỷ đồng. Chốt phiên 28/2, vốn hoá của Minh Phú giảm xuống chỉ còn 6.702 tỷ đồng.

Được biết, trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên được công bố vào năm 2006, người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán được ghi nhận là bà Chu Thị Bình. Bà Bình cũng đồng thời xếp vị trí thứ 5 trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo lịch sử giao dịch chứng khoán, thời điểm năm 2006, MPC có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng. Với số cổ phần mà hai vợ chồng bà Bình nắm trong tay (tương đương hơn 50% cổ phần), sau khi niêm yết trên HoSE, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Bình thời điểm đó ước tính đạt 1.145 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngôi vị này của bà Bình không giữ được lâu. Tại bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán năm 2007, bà Bình bị đánh bật khỏi vị trí đứng đầu do giá trị cổ phiếu MPC sụt giảm mạnh. Khi đó, tài sản trên sàn của bà Bình chỉ còn đạt gần 926 tỷ đồng, giảm hơn 220 tỷ đồng so với năm 2006. Từ vị trí dẫn đầu trong danh sách nữ doanh nhân, bà Bình bị đẩy xuống vị trí thứ 5 và tụt 17 bậc, xuống ở vị trí 22 trong bảng xếp hạng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm này.

Người "chiếm ngôi" nữ hoàng chứng khoán của bà Chu Thị Bình cũng là một cái tên rất nổi tiếng thời điểm đó - nữ doanh nhân Đặng Ngọc Lan - vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Bà Chu Thị Bình.

Thời gian gần đây, cái tên Chu Thị Bình lại được nhắc đến nhiều bởi việc tài khoản của bà Bình gửi tại Eximbank bị "bốc hơi" 245 tỷ đồng. Nguyên nhân là lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM, đã lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt được số tiền lên tới 245 tỷ đồng của bà Bình trong quãng thời gian dài.

Về MPC, từ những năm 2000, MPC đã là một trong những doanh nghiệp tôm đầu ngành tại Việt Nam. Năm 2016, MPC đạt kim ngạch xuất khẩu 532 triệu USD chiếm 17% tổng kim ngạch toàn ngành. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 vừa công bố của MPC cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty đang hồi sinh mạnh mẽ.

Cụ thể, công ty ghi nhận 6.024 tỷ đồng doanh thu thuần riêng quý IV/2017, tăng hơn 2.170 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, cộng thêm khoản lỗ trong công ty liên doanh – liên kết, MPC vẫn báo lãi 284 tỷ đồng quý IV/2017, gấp 13 lần cùng kỳ, nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 lên 714 tỷ đồng, tăng 772% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 642 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được trong năm 2017, MPC đã quay trở lại là doanh nghiệp có mức sinh lời cao của thị trường chứng khoán với EPS đạt 9.382 đồng.

Kết quả này có thể xem một trong là những tín hiệu dự báo tương lai tươi sáng của MPC khi doanh nghiệp này vừa đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán vào tháng 10/2017 vừa qua.

Được biết trước đó, MPC đã niêm yết cổ phiếu trên HoSE từ cuối năm 2007 và hủy niêm yết tự nguyện năm 2015 vì lý do muốn tìm đối tác chiến lược, tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển của công ty.

Minh Phú đưa cổ phiếu MPC quay trở lại thị trường chứng khoán (sàn UPCoM) vào tháng 10/2017 vừa qua. Sau 2 năm rời xa thị trường chứng khoán, cổ phiếu MPC trở lại sàn trong sự hoài nghi của nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của công ty. Lý do của sự hoài nghi này là do trong suốt quá trình rời sàn niêm yết, MPC đã bị sụt giảm sâu về lợi nhuận, thậm chí có lúc thua lỗ.

Tin mới lên