Doanh nghiệp

Bộ Công thương quyết giữ việc áp thuế tự vệ bột ngọt nhập khẩu

(VNF) – Dù các doanh nghiệp liên tiếp khiếu nại, Bộ công thương vẫn quyết định không hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Công thương quyết giữ việc áp thuế tự vệ bột ngọt nhập khẩu

Bộ Công thương không hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với bột ngọt nhập khẩu

Văn bản do Bộ Công thương trình Thủ tướng cho biết, ngày 10/3/2016, trên cơ sở điều tra của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian 4 năm.

Mức thuế được áp trong năm đầu tiên là 4.390.999 đồng/tấn, sau đó sẽ được giảm dần trong 3 năm tiếp theo với mức thuế tuyệt đối giảm 10% qua mỗi năm. Và chính thức không còn được áp dụng tính từ ngày 25/3/2020.

Thuế tự vệ không áp dụng đối với bột ngọt có xuất xứ từ các nước kém phát triển nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và tổng lượng hàng hoá nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ.

Quyết định áp thuế trên được đưa ra sau khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) tiến hành điều tra, xuất phát từ đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam ngày 9/6/2015 về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh hoàn tất quá trình điều tra để sau đó Bộ Công thương ban hành Quyết định áp thuế tự vệ.

Ngay sau quyết định áp thuế, Công ty CJ Cheil Jedang và các công ty nhập khẩu bột ngọt khác đồng loạt gửi khiếu nại.

Khiếu nại của Công ty CJ Cheil Jedang cho rằng sản phẩm của CJ không bán lẻ cho người tiêu dùng trong nước mà được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thực phẩm nên không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

Ngoài ra việc áp thuế tự vệ cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, giá cả, nguyên nhân và bối cảnh chung của thị trường là không công bằng cho CJ.

CJ cũng cho rằng chỉ bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc mới là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam, còn bột ngọt nhập từ Indonesia liên tục giảm trong mấy năm gần đây nên không gây ảnh hưởng.

CJ đề nghị Bộ Công thương hủy Quyết định áp thuế tự vệ hoặc thay vào đó là áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Trả lời các khiếu nại của công ti CJ Cheil Jedang, Bộ Công thương khẳng định, về phạm vi điều tra, căn cứ Khoản 5, Điều 4 của Pháp lệnh Tự vệ và xét sản phẩm bột ngọt của CJ, Bộ Công thương kết luận sản phẩm này có cùng đặc tính lý hóa, đặc điểm kỹ thuật và công dụng như các sản phẩm được sản xuất trong nước.

Theo pháp luật tự vệ của Việt Nam và WTO, không có quy định về sự phân biệt giữa sản phẩm để sản xuất và để tiểu dùng. Do đó Bộ Công thương kết luận, các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam, không phân biệt mục đích sản xuất hay tiêu dùng, đều thuộc phạm vi điều tra.

Về việc áp thuế tự vệ cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, căn cứ theo Khoản 3, Điều 5 của Pháp lệnh Tự vệ "các biện pháp tự vệ được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử và không phụ thuộc vào xuất xứ hàng hóa", Bộ Công thương khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật.

Về ý kiến cho rằng bột ngọt Trung Quốc là yếu tố gây ảnh hưởng, căn cứ Khoản 1, 2, Điều 16, Pháp lệnh Tự vệ, việc phân tích biến động lượng nhập khẩu được tiến hành theo phương pháp cộng gộp, không phân biệt nguồn gốc của nước xuất khẩu vào Việt Nam, do vậy, việc phân tích tác động nhập khẩu riêng theo từng quốc gia là không phù hợp.

Về ý kiến bột ngọt nhập từ Indonesia không gây ảnh hưởng, căn cứ Điều 9.1 Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO, biện pháp áp thuế tự vệ áp dụng cho các quốc gia có trên 3% tổng lượng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam của Indonesia chiếm 12,4, do đó hoàn toàn nằm trong phạm vi áp thuế tự vệ.

Về đề xuất áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công thương chỉ rõ, theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, việc sử dụng biện pháp nào là dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp. Trong vụ việc này, Công ty Vedan yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ, vì vậy, Bộ Công thương phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Cùng với Công ty CJ Cheil Jedang, các công ty nhập khẩu bột ngọt: Uniben, Tân Minh Thông và Interfood cũng đâm đơn khiếu nại.

Đơn khiếu nại của 3 công ty này có cùng một nội dung gồm 3 điểm: Quyết định tăng thuế để bảo vệ công ty trong nước là đi ngược cam kết hội nhập; quá trình điều tra và ra quyết định của Bộ Công thương thiếu minh bạch; trong sự việc này công ty Ajinomoto không lên tiếng, chứng tỏ hàng nhập khẩu không ảnh hưởng đến toàn thị trường mà chỉ ảnh hưởng đến các công ty riêng lẻ.

Trả lời các khiếu nại trên, Bộ Công thương khẳng định, về ý kiến tăng thuế là đi ngược cam kết hội nhập, căn cứ các điều khoản 1, 2 Hiệp định về các biện pháp tự vệ , WTO cho phép các thành viên được áp dụng biện pháp tự vệ. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết cũng không cấm biện pháp tự vệ. Do đó, nói áp dụng biện pháp tự vệ đi ngược cam kết hội nhập là không có cơ sở.

Về tính minh bạch của quá trình điều tra và ra quyết định, Bộ Công thương nhấn mạnh Quyết định điều tra đã được đăng tải trên website chính thức của Bộ và truyền tải đến các cơ quan truyền thông.

Thêm vào đó, trong quá trình điều tra, Bộ Công thương cũng không nhận được bất kỳ đơn đăng ký làm bên liên quan của các công ty gửi khiếu nại. Vì thế, Bộ cho rằng đã đảm bảo tính minh bạch của sự việc.

Về nhận định hàng nhập khẩu không gây ảnh hưởng toàn thị trường, kết quả điều tra của Bộ Công thương từ 3 công ty Vedan, Ajinomoto, Miwon trên các phương diện tồn kho, doanh thu, lợi nhuận, bán hàng…. cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Từ những căn cứ trên, Bộ Công thương đã ban hàng 4 Quyết định gửi cho 4 công ty khiếu nại với kết luận: Không hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu không đồng ý với Quyết định, các công ty có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tin mới lên