Tiêu điểm

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng?

(VNF) – Ngày 17/5 tới, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng?

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và kỳ vọng lớn với người đứng đầu Chính phủ

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Ban ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, Tổng cục của Chính phủ cùng các Hiệp hội doanh nghiệp. Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp FDI, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng cải cách mạnh mẽ hơn

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, một năm sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần 30% doanh nghiệp đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.

Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp 2016 đã có khởi sắc hơn và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh tốt hơn năm 2015. Cụ thể, 48% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ trong khu vực FDI cũng tương tự.

"Năm qua đã có những đột phá về tư duy, quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn cần độ trễ nhất định, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật chứ không chỉ trong điều hành, nên cần nhiều thời gian hơn", ông Lộc nói.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng đánh giá môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, điển hình như xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các Thông tư của các Bộ hay trong Quyết định của UBND tỉnh. Vì thế, trong một năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt qua mức 10 vạn, số vốn đăng ký tăng nhiều, nhất là trong thị trường bất động sản.

Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, phá sản doanh nghiệp, giấy phép xây dựng...

Ông Liêm nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường. Cụ thể, Nhà nước nên từ bỏ phương thức ban đầu quy định hết sức gò bó rồi nới lỏng dần theo đề nghị của doanh nghiệp. Thay vào đó nên làm ngược lại, lúc đầu quy định hết sức thoải mái rồi căn cứ vào vào sự xuất hiện các tiêu cực của thị trường mà thắt lại dần để ngăn chặn.

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng ảnh 1

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Cũng có quan điểm tương đồng, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh hiện nay vẫn còn những "hạt sạn", thể hiện qua công bố mới đây về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).

Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng đã đề ra là: Chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động - tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.

Theo ông, phải rà soát và xoá bỏ những văn bản quy định đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, trước mắt là những quy định hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao thay thế các giá trị truyền thống như lao động, tài nguyên.

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng ảnh 2

Ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, hỗ trợ thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thành một hệ thống toàn quốc từ Trung ương đến địa phương. Bởi hiện nay, các nội dung về chỉ đạo thành lập và hoạt động của các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.

Ông Dương Tuấn Anh cũng cho rằng, việc thu hút các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài vào đầu tư là rất cần thiết, nhưng khi ký kết hợp tác cần đưa điều kiện các doanh nghiệp địa phương có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì...

"Do vậy, rất cần một Trung tâm có tính pháp lý cao theo quy định của Chính phủ để làm nhiệm vụ kết nối và khi mời các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương", ông Dương Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Chính phủ hoàn chỉnh và sớm trình Quốc Hội thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là văn bản luật thiết thực mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước đang rất trông chờ được sự hỗ trợ các điều kiện để phát triển.

Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ cấp bách

Về phía các chuyên gia, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng vấn đề hoàn thiện thể chế có ý nghĩa quan trọng, cấp bách hàng đầu hiện nay.

Theo ông Tuyển, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ.

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng ảnh 3

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Giá một số loại dịch vụ vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp Nhà nước tuy chiếm giữ nguồn lực lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả, thất thoát lớn, chưa làm được vai trò hỗ trợ, dẫn dắt khu vực tư nhân, thậm chí còn chèn lấn sự phát triển của khu vực này.

Môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa hình thành được thị trường cạnh tranh ở không ít các ngành sản xuất và dịch vụ. Nền kinh tế phát triển không bền vững. Cần đánh giá đầy đủ thực trạng này để có những quyết định kịp thời và chính xác.

Thị trường lao động có sự phát triển khá nhất nhưng do chế độ tiền lương còn bất hợp lý nên không bảo đảm sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Thị trường vốn chưa phát triển, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng, chẳng những gây áp lực lên các ngân hàng thương mại mà còn rủi ro lớn. Thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất sơ khai…

Trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chúng ta vẫn chưa tạo lập được thị trường cạnh tranh công bằng. Vẫn có sự phân biệt đối xử nhất định giữa 3 khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn, tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước còn khu vực tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực.

"Cải cách doanh nghiệp nhà nước không chỉ là cổ phần hóa. Nhưng điều còn quan trọng hơn cổ phần hóa là áp đặt kỷ luật thị trường lên hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp này", ông Tuyển nhận định.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt hiện nay. Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành vẫn không phù hợp với cơ chế thị trường, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Doanh nhân, chuyên gia nói gì trước thềm cuộc gặp Thủ tướng ảnh 4

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp. "Trên thị trường, nhiều khi chỉ hơn kém 0,5% chi phí thôi đã đủ tạo nên sự khác biệt lớn về khả năng cạnh tranh. Trong khi đó tại Việt Nam, gánh nặng chi phí không chính thức vẫn rất lớn", ông Thành nói.

Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì sẽ giúp xem xét ý tưởng khởi nghiệp đó có khả thi không, có trùng với các ý tưởng khác không… để tránh đi vào con đường người khác đã đi.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân. Điều này đòi hỏi một chiến lược, kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà nước và có sự tham gia của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu…

Tin mới lên