(VNF) - Góc nhìn mới của Forbes có thể coi là sự thừa nhận về thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc xây dựng hệ sinh thái Vingroup, không chỉ có bất động sản và du lịch – giải trí mà còn bao gồm cả bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp và mới đây là công nghiệp ô tô.
Tạp chí danh tiếng Forbes vừa có cập nhật đáng chú ý về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cụ thể, thay vì ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm giàu từ bất động sản (real estate) như trước thì nay, Forbes ghi nhận tỷ phủ Phạm Nhật Vượng là làm giàu từ nhiều ngành nghề (diversified).
Góc nhìn mới của Forbes có thể coi là sự thừa nhận về thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc xây dựng hệ sinh thái Vingroup, không chỉ có bất động sản và du lịch – giải trí mà còn bao gồm cả bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp và mới đây là công nghiệp ô tô.
Cập nhật mới của Forbes
Dữ liệu Forbes ngày 30/1/2018
Từ năm 2012 đổ về trước, Vingroup chỉ thuần "một màu" với lĩnh vực bất động sản và du lịch – giải trí với rất nhiều dự án nhà ở, căn hộ, khách sạn cùng hành loạt trung tâm thương mại quy mô lớn rải khắp cả nước.
Điển hình phải kể đến Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang năm 2003; Tòa tháp đôi Vincom Center Bà Triệu – TTTM theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội năm 2004; Khu vui chơi Vinpearl Land năm 2005; Cáp treo Vinpearl năm 2007; Vincom Center Đồng Khởi tại TP Hồ Chí Minh năm 2010; Vinhomes Center Park cùng tòa nhà cao nhất Việt Nam – The Landmark 81 tại TP Hồ Chí Minh năm 2014 và dự án bất động sản đại chúng VinCity năm 2016.
Đến nay, lĩnh vực bất động sản và du lịch – giải trí vẫn đem về doanh thu lớn nhất cho Vingroup.
Năm 2012, Vingroup chính thức bước chân vào lĩnh vực Y tế, ra mắt thương hiệu Vinmec, cùng với đó đưa vào vận hành Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec tại khu đô thị Times City từ tháng 1. Mục tiêu đặt ra cho Vinmec khá lớn, đó là trở thành bệnh viện quốc tế hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Ban đầu, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec chỉ có 600 giường bệnh cùng khuôn viên trên 2,5 ha với tòa nhà 7 tầng nổi. Sau 5 năm gia nhập thị trường khám chữa bệnh, Vingroup đã có tới 5 bệnh viện đa khoa quốc tế và 2 phòng khám quốc tế trên khắp cả nước cùng 1.200 giường bệnh và 340 bác sĩ.
Lĩnh vực giáo dục được Vingroup "lấn sân" từ năm 2013 với thương hiệu Vinschool - hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Bắt đầu từ tháng 8/2013, Vingroup đã khai trương hai trường mầm non Vinschool đầu tiên tại khu đô thị Times City và Vincom Village. Các trường từ cấp tiểu học rồi trung học được xây dựng tiếp trong năm 2014 và 2015. Đến nay, lượng học sinh tại hệ thống Vinschool đã lên đến hàng chục nghìn.
Năm 2016, Vingroup chính thức chuyển đổi lĩnh vực Y tế và Giáo dục sang mô hình phi lợi nhuận và cam kết đầu tư 100% lợi nhuận từ hai mảng này vào các mục tiêu xã hội. Đây được xem là bước tiến quan trọng của tập đoàn này trong việc theo đuổi xu hướng phát triển của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, chú trọng vào thực hiện trách nhiệm xã hội.
Với mảng bán lẻ, Vingroup đã nhanh chóng gia nhập thị trường này vào năm 2014 với thương vụ đình đám mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, trị giá tới 570 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Sau đó, Vingroup đã đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty Cổ phần Siêu thị Vinmart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên Vinmart và Vinmart+.
Tính đến ngày 31/12/2017, hệ thống VinMart & VinMart+ có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam. Mục tiêu của Vingroup là đạt 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Mảng nông nghiệp được Vingroup ra mắt vào năm 2015 với thương hiệu VinEco. Công ty VinEco có số vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, tập trung vào trồng trọt, cho ra đời rau củ quả sạch cho thị trường.
Hiện VinEco đã xây dựng được vùng sản xuất trên 3.000 ha tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tp. Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, đơn vị này còn liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ sản xuất tại 23 tỉnh thành.
Năm 2018, VinEco đặt mục tiêu phát triển hệ thống phân phối lên hơn 3.500 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc, gấp hơn 3 lần hiện nay.
Với mảng công nghiệp ô tô, tham vọng của Vingroup là rất lớn khi xây dựng "đại dự án" Vinfast với tổng mức đầu tư lên tới 3-3,5 tỷ USD.
Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô-tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chủ lực sẽ là ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Tờ Financial Times đánh giá, việc chuyển sang chế tạo ô tô sẽ là một chuyến "dấn thân" đối với cả Vingroup lẫn nền công nghiệp của Việt Nam, tương tự như những năm 1970 khi Hyundai – ngày nay là nhà sản xuất ô tô hàng đầu – đã phát triển mẫu xe đầu tiên của mình tại Hàn Quốc.
Theo dữ liệu của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu khối tài sản 5,3 tỷ USD, xếp thứ 388 trong danh sách người giàu thế giới, giàu hơn cả Chủ tịch Hyundai Chung Mong-Koo hiện sở hữu khối tài sản 5 tỷ USD.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.