Tài chính

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển đổi sang hóa đơn điện tử

(VNF) - Theo quy định mới, trong thời hạn 24 tháng, từ ngày 1/11/2018, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phải chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử...

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển đổi sang hóa đơn điện tử

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển đổi sang hoá đơn điện tử. (Ảnh minh hoạ)

Người nộp thuế có 24 tháng để chuẩn bị

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018 nhưng việc tổ chức thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 1/11/2020.

“Quy định này có nghĩa kể là từ ngày Nghị định 119 có hiệu lực thi hành, cả cơ quan thuế và người nộp thuế có thời gian 24 tháng để chuẩn bị”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết tại buổi họp báo chiều 19/10.

Cũng theo ông Tuấn, đây là khoảng thời gian để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin…) và điều kiện về con người. Ông cũng thừa nhận đây có lẽ là lần đầu 1 nghị định quy định thời gian cho phép chuyển tiếp tới 2 năm.

“Hiện tại, Tổng cuc Thuế đang triển khai kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật đảm bảo việc thực hiện hóa đơn tử trên diện rộng", lãnh đạo ngành thuế lên tiếng.

Cũng tại buổi họp báo, vấn đề được quan tâm và nêu ra là nếu bỏ hóa đơn giấy, hàng hóa lưu thông trên đường bị kiểm tra thì người nộp thuế sẽ phải xử lý ra sao?

Trả lời về vấn đề này, Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế, cho hay khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hoá đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.

Với vấn đề trong trường hợp người kiểm tra không thể truy cập mạng internet vì sóng 3G/4G yếu thì phải xử lý ra sao, theo ông Huy, nghị định cũng đã đề cập tới việc trường hợp bất khả kháng gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet, người vận chuyển hàng hóa có bản sao bằng giấy không cần ký tên, đóng dấu của người mua, người bán hàng hóa thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước đang kiểm tra hàng hoá.

Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ hoá đơn điện tử để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu hoá đơn điện tử (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra theo quy định.

Tuy nhiên, ông cho rằng về cơ bản, hiện các vùng trên đất nước đều đã phủ sóng 3G, 4G đặc biệt là tại những cung đường ôtô có thể vận chuyển hàng.

Theo ông Huy, trong Nghị định có trình Chính phủ giao cho Bộ Tài chính ban hành quy chế hướng dẫn việc tra cứu sử dụng thông tin của doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đang cùng với các đơn vị liên quan soạn thảo quy chế này có thể thông qua rất nhiều hình thức có thể kiểm tra được hàng hóa, chứ không chỉ thông qua mạng Internet.

Đơn cử, có thể thông qua trao đổi giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra với cơ quan thuế bằng hình thức tin nhắn. Sẽ có nhiều hình thức khác nhau, nhưng mục đích chung là cơ quan thuế cung cấp được kịp thời thông tin hóa đơn điện tử cho người có chức năng kiểm tra.

Ông Huy cũng cho rằng về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông của Việt Nam đã rất phát triển. Hầu hết những cung đường giao thông có trạm kiểm soát hàng hóa đều có thể truy cập mạng để thực hiện giao dịch, kiểm tra hàng hóa bằng hình thức hóa đơn điện tử.

Hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm phải dùng hoá đơn điện tử

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế, cho biết Nghị định 119 quy định rõ về đối tượng, nguyên tắc lập quản lý và sử dụng hoá đơn điện tử. Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn.

Ngoài đối tượng là các tổ chức, doanh nghiệp, Nghị định 119 cũng quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán nếu có yêu cầu thì cũng được áp dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.

Riêng hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018.

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cấp hoá đơn điện tử  có mã xác thực theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hoá đơn điện tử.

Tin mới lên