Tài chính

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các địa phương hoàn trả 1.600 tỷ đồng

(VNF) - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 (niên độ tài chính – ngân sách 2014) của Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy bức tranh chi tiêu ngân sách "vô tội vạ" tại các địa phương trong năm 2014.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các địa phương hoàn trả 1.600 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các địa phương phải bố trí hoàn trả nguồn 1.600 tỷ đồng do chi sai

Theo báo cáo, năm 2014, dự toán chi thường xuyên được Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704,4 nghìn tỷ đồng. Song quyết toán thì lên tới 723,3 nghìn tỷ (chiếm 65,5% tổng chi NSNN, bằng 18,4% GDP), tăng 2,7% dự toán.

Trong đó, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ hơn 7 nghìn tỷ (bằng 91,5% dự toán), chi sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn và thể dục thể thao 13,5 nghìn tỷ (tăng 23% dự toán), chi quản lý hành chính 123 nghìn tỷ (tăng 19,5% dự toán).

Đáng chú ý, trong khi Ngân sách Trung ương chỉ tiêu hết 97,7% dự toán thì Ngân sách địa phương lại chi tăng 6,9% dự toán, đạt mức 407,7 nghìn tỷ.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán cho biết, trong năm 2014, nhiều địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định tại Khoản 2, Điều 59, Luật Ngân sách Nhà nước như Cần Thơ, Quảng Nam, Hậu Giang, Đắc Lắc, Quảng Ngãi…

Tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí cũng xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh thành phải bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là các tỉnh An Giang (phải hoàn trả 563 tỷ), Vĩnh Long (297 tỷ), Thanh Hóa (289 tỷ), Hưng Yên (109 tỷ)…

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu bật tình trạng nhiều địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách, dẫn đến một số nhiệm vụ chi theo quy định được chuyển nguồn nhưng không có nguồn đảm bảo để chi chuyển nguồn như An Giang (563 tỷ), Vĩnh Long (269 tỷ).

Ngoài ra, trong điều hành ngân sách, các địa phương còn sử dụng 107,8 tỷ đồng (từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu…) để bổ sung chi thường xuyên sai quy định, hoặc để bù hụt thu không đúng quy định. Chẳng hạn như Đắc Lắc dùng nguồn cải cách tiền lương bù hụt thu cân đối 32,4 tỷ, Hậu Giang dùng nguồn thu sử dụng đất bù hụt thu 9,2 tỷ…

Qua kiểm toán cũng cho thấy có tới 16/50 địa phương dùng nguồn dự phòng để chi cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách như chi thường xuyên, chi tạm ứng, chi sửa chữa mua sắm tài sản… với tổng giá trị 613 tỷ đồng.

Một thực tế khác cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán đều tồn tại tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 183 tỷ đồng.

Tin mới lên