Thị trường

Kinh doanh quân phục, vũ khí: Tư nhân làm được không?

(VNF) - Quân phục, vũ khí luôn là mặt hàng nhạy cảm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, việc quản lý đối với các mặt hàng này không dễ dàng đối với tất cả các Chính phủ.

Kinh doanh quân phục, vũ khí: Tư nhân làm được không?

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, quân phục, vũ khí được coi là ngành nghề cấm kinh doanh. Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 và Nghị định 100/2005/NĐ-CP quy định cấm kinh doanh đối với "vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyện dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng". Loại hàng hóa đặc biệt này hiện nay được tự sản tự tiêu trong khối các lực lượng vũ trang, hoặc được các đơn vị này nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.

Trong quá trình làm Luật Đầu tư 2014, khi bàn về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm và có điều kiện, Quốc hội đã đưa câu chuyện về quân phục, vũ khí ra để thảo luận. Kết luận của Quốc hội khi đó, và cả trong năm 2016 khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật đầu tư đều thống nhất coi kinh doanh "quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng" là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chứ không còn bị cấm nữa. Quốc hội cũng giao Chính phủ soạn Nghị định cụ thể về các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với quân phục, vũ khí.

Có thể hiểu, mục tiêu chính sách cuối cùng của Quốc hội muốn là tăng hiệu quả của việc chi tiền cho công nghiệp quốc phòng, làm sao cho toàn bộ chi phí (gồm cả các nguồn lực con người, đất đai, tài nguyên, tài chính) sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất để tạo ra quân dụng, vũ khí phục vụ hoạt động của quân đội. Muốn làm được điều này, rõ ràng cần thay đổi cơ chế bao cấp đang tồn tại như hiện nay, thay vào đó là cơ chế thị trường, có cạnh tranh.

Hãy thử tưởng tượng, với cùng một đồng ngân sách chi cho quốc phòng, nếu Nhà nước tự mình sản xuất, phân phối thì chỉ mua được một khẩu súng hoặc một bộ quân phục, còn nếu cho đấu thầu cạnh tranh thì có thể mua được gấp đôi, gấp ba lượng vũ khí, quân dụng. Rõ ràng, cơ chế này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang. 

Đương nhiên, đi kèm với việc có cạnh tranh là các quy định pháp luật để quản lý thị trường quân phục, vũ khí, nhằm vẫn có sự cạnh tranh phù hợp mà vẫn hạn chế tối đa nguy cơ gây hại của quân phục, vũ khí. Ví dụ như nguy cơ sản xuất thừa để bán cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng trái phép, hoặc nguy cơ lộ bí quyết công nghệ. Việc soạn thảo các quy định pháp luật trong lĩnh vực này được coi là rất khó. 

Việc xây dựng Nghị định để quản lý thị trường quân phục, vũ khí được giao cho Cục Kế hoạch và Đầu tư của Bộ Quốc phòng. Sau khi nghiên cứu, đơn vị soạn thảo đưa ra một dự thảo Nghị định chỉ vỏn vẹn 4 trang giấy với điều khoản quan trọng nhất là "doanh nghiệp chỉ được kinh doanh quân phục, vũ khí khi có giấy phép" và để có được giấy phép thì điều quan trọng nhất là "doanh nghiệp phải có hợp đồng với Bộ Quốc phòng".

Cũng theo dự định của cơ quan soạn thảo, đến khi thực thi Nghị định thì cũng chỉ ký hợp đồng với các đơn vị của Bộ, chứ không đấu thầu hay có đơn vị tư nhân nào được tham gia. 

Về bản chất, cách làm này không tiến bộ gì hơn cơ chế tự cung tự cấp hiện nay, thậm chí còn phức tạp hơn. Thay vì trước đây Bộ Quốc phòng chỉ cần ký hợp đồng hoặc giao kế hoạch với các đơn vị của mình thì nay lại phải thêm thủ tục hành chính cấp phép mà không có ý nghĩa gì. Nói như vị đại diện cơ quan soạn thảo: "Chúng tôi dự định quy định như vậy, về bản chất là vẫn cấm".

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xây dựng hệ thống quy định pháp luật để quản lý thị trường quân phục, vũ khí mang lại hiệu quả cao. Bộ Quốc phòng các nước vẫn có thể đặt hàng các công ty tư nhân, thậm chí công ty nước ngoài, đấu thầu việc may quân phục, nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Đương nhiên, đi kèm với đó là các biện pháp giám sát chặt chẽ việc thực hiện đơn hàng, các biện pháp bảo mật thông tin. 

Đối với Việt Nam, chưa bàn đến các loại vũ khí tân tiến, nhưng việc sản xuất áo may ô, bi đông nước, hay giầy sĩ quan hiện vẫn đang phụ thuộc vào các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong khi hoàn toàn có thể đặt hàng khối tư nhân sản xuất những mặt hàng này, thậm chí không cần giám sát, vì dù có sản xuất thừa bán ra ngoài thị trường cũng không có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Đối với các loại quân phục có nguy cơ gây hại nếu được sử dụng trái phép, thì việc áp dụng các biện pháp kiểm soát cũng không quá khó như gắn camera giám sát, cử người kiểm đếm, niêm phong, kẹp chì việc giao nhận nguyên liệu, thành phẩm, tiêu hủy hàng lỗi hỏng… Rõ ràng, với năng lực sản xuất hàng dệt may, da giầy, hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì cách làm này chắc chắn sẽ tiết kiệm đáng kể chi ngân sách.

Đối với vũ khí thì bước đầu có thể chia nhỏ các bộ phận, đặt hàng mỗi doanh nghiệp tư nhân sản xuất một vài chi tiết rồi Nhà nước độc quyền lắp ráp. Sau nghiên cứu tiến tới cơ chế đặt hàng tư nhân sản xuất toàn bộ, với sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. 

Với cách tiếp cận như hiện nay, e rằng mong ước về một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến hiện đại với chi phí thấp để phục vụ cho các lực lượng vũ trang vẫn chỉ là mong ước xa vời. 

Tin mới lên