Liên Triều sắp ‘đối thoại lịch sử’, Trung Quốc siết chặt giao thương

Lê Anh - 07/01/2018 16:52 (GMT+7)

(VNF) – Hàn Quốc và Triều Tiên đã trao đổi danh sách các đại diện dự kiến tham gia cuộc hội đàm được ấn định vào ngày 9/1. Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt giao thương với Triều Tiên từ ngày 6/1.

VNF
Cuộc hội đàm liên Triều được ấn định vào ngày 9/1 tại làng đình chiến Panmunjom

Hội đàm liên Triều: Tia hy vọng mới trên bán đào Triều Tiên

Hai phía Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã gửi danh sách phái đoàn dự kiến tham gia cuộc đàm phán cấp cao liên Triều dự kiến được tổ chức vào ngày 9/1 tới đây, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 7/1 cho hay.

Theo đó, phái đoàn của Triều Tiên sẽ do ông Ri Son-Gwon, người phụ trách cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, dẫn đầu. Trong số 4 quan chức khác đi cùng ông Ri có một quan chức phụ trách thể thao của Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao sẽ bao gồm 5 người do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon dẫn đầu.

Ông Ri Son-Gwon, người phụ trách cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều sẽ dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chi tiết của cuộc gặp sẽ được thảo luận qua đường dây nóng liên Triều, trong đó việc chuẩn bị cho đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội PyeongChang sẽ là chủ đề thảo luận chính.

Trước đó, bai bên đã nhất trí tổ chức cuộc hội đàm này vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Panmunjom nằm trên biên giới liên Triều. Đây sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên của Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ tháng 11/2015 làm dấy lên hy vọng về một sự cải thiện trong quan hệ liên Triều sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên trong năm 2017.

Các nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ - Hàn theo đề nghị của người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả. Tuy nhiên phe bảo thủ ở Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên có thể lợi dụng sự kiện thể thao này để giải tỏa sức ép của các biện pháp trừng phạt và gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.

Trung Quốc siết chặt giao thương với Triều Tiên

Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo siết chặt giao thương với Triều Tiên bắt đầu từ ngày 6/1, theo đúng lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt, theo Daily Star.

Theo đó, Bắc Kinh sẽ hạn chế việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế, thép và các kim loại khác sang Triều Tiên.

Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng trước nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Khoảng 100 nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc sắp phải đóng cửa.

Khoảng 100 nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc cũng có thể sẽ phải đóng cửa khi thời hạn do Bắc Kinh đưa ra nhằm tuân thủ nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sắp tới gần.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hồi tháng 9/2017 thông qua nghị quyết trừng phạt, đáp trả Triều Tiên thử hạt nhân lần 6. Bắc Kinh sau đó yêu cầu đóng cửa các doanh nghiệp Triều Tiên, gồm cả nhà hàng, trên lãnh thổ Trung Quốc trong vòng 120 ngày, hạn chót là 9/1.

Các nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc cũng như các quốc gia khác được xem là nguồn thu ngoại tệ chính của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết các nhà hàng Triều Tiên vẫn đang tìm cách để duy trì hoạt động dù phải đối mặt với lệnh đóng cửa.

>> Liên Triều sẽ đối thoại trực tiếp, Mỹ hoãn tập trận

Cùng chuyên mục
Tin khác