Liên Triều sẽ đối thoại trực tiếp, Mỹ hoãn tập trận

Lê Anh - 05/01/2018 09:59 (GMT+7)

(VNF) – Sau khi chủ động liên lạc với Hàn Quốc qua đường dây nóng, Triều Tiên mới đây đã chấp thuận lời đề xuất từ phía Hàn Quốc về cuộc đối thoại cấp cao vào ngày 9/1. Mỹ quyết định hoãn các cuộc tập trận với Hàn Quốc cho tới sau Thế vận hội (Olympic) mùa Đông 2018.

VNF
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đối thoại cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1.

Căng thẳng Triều Tiên – Hàn Quốc bắt đầu "hạ nhiệt"

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 2/1 cho biết Seoul đã đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại cấp cao với Bình Nhưỡng vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn điếm). Nội dung của cuộc đối thoại sẽ bàn về đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa đông 2018 vào tháng tới.

Theo thông báo mới nhất của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 5/1, Triều Tiên đã chính thức chấp nhận lời đề xuất này.

Chương trình nghị sự sẽ bao gồm Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang cũng như các vấn đề hai nước cùng quan tâm, Reuters dẫn lời Baik Tae-hyun, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Hàn Quốc và Triều tiên đã liên lạc 5 lần trong  hai ngày qua đường dây nóng.

Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc và nói hai bên nên giảm căng thẳng. Hàn Quốc hoan nghênh việc nối lại đường dây nóng biên giới bởi động thái này giúp tạo môi trường cho phép hai bên liên lạc trong mọi thời điểm.

Quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 4/1 cho biết hai nước đã liên lạc tổng cộng 5 lần trong hai ngày 3 và 4/1 qua đường dây nóng vừa được nối lại, NHK đưa tin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, tỏ ý hy vọng đàm phán liên Triều đạt kết quả tốt.

Mỹ hoãn tập trận với Hàn Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 4/1 cho biết Mỹ sẽ hoãn các cuộc tập trận "Đại bàng non" (Foal Eagle) với Hàn Quốc cho tới sau Olympic mùa Đông 2018, diễn ra tại thành phố PyeongChang của Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới.

Các cuộc tập trận sẽ được tiến hành sau khi Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) kết thúc vào ngày 18/3.

Phát biểu báo giới, Bộ trưởng Mattis nêu rõ Mỹ và Hàn Quốc điều chỉnh thời điểm tiến hành các cuộc tập trận trên là vì nhiều lý do, nguyên nhân chính là vì các lý do thực tế và hậu cần chứ không phải một động thái chính trị, trong đó nhấn mạnh kỳ Thế vận hội này là sự kiện lớn nhất về du lịch quốc tế của Hàn Quốc.

Mỹ, Hàn hoãn tập trận sau khi Olympic mùa Đông 2018 kết thúc.

Trước đó, trong cuộc điện đàm cùng ngày, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Moon Jae-in đã nhất trí giảm căng thẳng trong thời gian diễn ra Thế vận hội và các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc có thể tập trung đảm bảo an ninh cho sự kiện thể thao này.

Thành phố PyeongChang - nơi diễn ra sự kiện quan trọng này - nằm ở khu vực phi quân sự, cách đường biên giới hai miền Triều Tiên khoảng 80km.

Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên tổ chức hai cuộc tập trận mang tên Key Resolve (Giải pháp then chốt) và Foal Eagle (Đại bàng non) vào mỗi mùa xuân. Số lượng các binh sĩ được huy động có thể lên tới 17.000 lính Mỹ và hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc.

Trung Quốc bác tin hỗ trợ quân sự Triều Tiên

Theo SCMP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang ngày 3/1 đã bác bỏ thông tin của hãng tin Washington Free Beacon đăng tải ngày 2/1, cáo buộc Trung Quốc âm thầm viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên.

Ông Geng khẳng định: "Bất kì ai có tư duy bình thường đều nhận thấy tài liệu bài báo trên cung cấp là giả mạo".

Washington Free Beacon đã dựa trên một tài liệu dài 5 trang bằng tiếng Trung được cho là tài liệu mật của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đảm bảo chế độ Triều Tiên không bị sụp đổ. Tài liệu cho biết Trung Quốc dường như sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng khoản viện trợ cho các hoạt động thường ngày và xây dựng cơ sở vật chất trong năm 2018. Con số này được cho là tăng 15% so với năm 2017.

Bắc Kinh hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là sẽ hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên, cung cấp cho nước này các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Cũng theo tài liệu, Triều Tiên được cho là "không cần phải từ bỏ chương trình hạt nhân hoàn toàn và ngay lập tức" nhưng phải cam kết "không tiếp tục thử nghiệm tên lửa".

Trong những tháng gần đây, Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc siết chặt trừng phạt Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, mặc dù hai nước là đồng minh thân cận.

Kim ngạch thương mại Trung - Triều giảm xuống mức thấp nhất trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

>> Soi' chuyển động kinh tế Triều Tiên khi bị cấm vận

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.