Mỹ 3 lần thử nghiệm bắn hạ tên lửa thất bại

Lê Anh - 01/02/2018 13:58 (GMT+7)

(VNF) – Trong khi Mỹ luôn dành một khoản ngân sách khổng lồ cho quốc phòng nhằm hiện đại hóa hệ thống vũ khí, nhưng mới đây lại gặp thất bại khi thử nghiệm bắn rơi một tên lửa giả từ Hawaii. Trước đó, Mỹ cũng từng thất bại trong việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn hồi tháng 2 và tháng 6/2017.

VNF
Tên lửa trong vụ thử nghiệm của Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ ngày 31/1.

Một tên lửa SM-3 Block IIA đã được phóng đi từ khu vực thử nghiệm Aegis Ashore ở Hawaii, song không thể bắn hạ một tên lửa khác được phóng từ máy bay, Reuters ngày 31/1 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên.

Tên lửa SM-3 Block IIA do Tập đoàn Raytheon của Mỹ phối hợp với Nhật Bản chế tạo và được sử dụng để đánh chặn các tên lửa tầm trung. Hiện Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ chỉ xác nhận rằng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm, song chưa thông báo kết quả chính thức.

"Cơ quan Phòng vệ tên lửa và các thủy thủ Hải quân Mỹ đã vận hành Tổ hợp thử nghiệm phòng vệ tên lửa Aegis Ashore (AAMDTC) để thực hiện vụ phóng bằng tên lửa SM-3 Block IIA từ khu thử tên lửa Thái Bình Dương ở Kauai, Hawaii vào sáng 31/1", phát ngôn viên của Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mark Wright cho biết.

Hiện Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận thất bại, song nếu thông tin này là chính xác thì đây sẽ là lần thử nghiệm bắn hạ tên lửa không thành công thứ ba của Mỹ từ năm ngoái đến nay, sau hai vụ thử vào tháng 6 và tháng 2 năm 2017.

Trước đó, ngày 22/6/2017, trong vụ phóng thử SM-3 do khu trục hạm USS John Paul Jones thực hiện, với trang bị đặc biệt, hệ thống Aegis đã xác định và theo dõi mục tiêu, nhưng không thể bắn trúng mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ bãi thử tên lửa của Mỹ trên đảo Kauai, Hawaii.

Theo kết quả điều tra ban đầu được Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết, trong quá trình phóng tên lửa SM-3 hôm 22/6, sai sót đã thuộc về thành viên trong kíp điều khiển khi thao tác sai lệnh chỉ huy. Cơ quan này khẳng định, vụ phóng thử thất bại không hề liên quan đặc tính kỹ-chiến thuật của đạn tên lửa SM-3 và hệ thống chiến đấu Aegis.

Chi phí của mỗi cuộc thử nghiệm bắn hạ tên lửa khoảng 230 triệu USD.

Dù nguyên nhân dẫn đến việc phóng tên lửa SM-3 thất bại đã khá rõ ràng theo tuyên bố của Mỹ, tuy nhiên dù với lý do gì thì thành tích chiến đấu và độ tin cậy của tên lửa SM-3 luôn khiến Hải quân Mỹ phải đau đầu.

Hồi tháng 2/2017, Mỹ cũng đã tổ chức vụ thử nghiệm với tiên tên lửa đánh chặn loại này. Cuộc tập trận được thực hiện với sự góp mặt của nhiều lớp tên lửa đánh chặn bao gồm Hệ thống Chống tên lửa đạn đạo Aegis trên tàu USS John Paul Jones và Hệ thống Tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hệ thống THAAD trên đảo Wake đã dò tìm và tiêu diệt một mục tiêu tầm ngắn đầu tiên, được phóng từ máy bay quân sự C-17. Đến lần phóng thử thứ 2, tên lửa SM-3 phóng từ tàu USS John Paul Jones đã bắn trượt mục tiêu và phải để cho hệ thống THAAD đánh chặn ở vòng phòng thủ cuối cùng.

Trong lần phóng tiếp theo, khả năng đánh chặn của chiếc USS John Paul Jones vẫn không khá hơn. Và phải đến lần phóng cuối cùng, Hải quân Mỹ mới thành công trong việc sử dụng tên lửa SM-2 Block IIIA tiêu diệt tên lửa giả BQM-74E.

Bất chấp tỷ lệ thành công chỉ là 1/3 và chi phí của cuộc thử nghiệm lên tới 230 triệu USD, Mỹ vẫn coi đây là lần thử nghiệm thành công.

>> Fed duy trì lãi suất cơ bản, bỏ ngỏ khả năng nâng lãi suất trong tháng 3

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác