Thị trường

Nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái: 10 năm ì ạch và bàn tay khối ngoại

(VNF) – Bộ Công Thương mới đây đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái do Công ty TNHH Lọc dầu Cát Lái làm chủ đầu tư.

Nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái: 10 năm ì ạch và bàn tay khối ngoại

Nhà máy lọc dầu Cát Lái của Saigon Petro

Lập dự án rồi… để đó

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro), năm 2007, Công ty đã lập dự án nghiên cứu khả thi "Nâng chỉ số octane phân đoạn naphtha" với mục tiêu xây dựng tiếp nối hệ chưng cất condensate hiện hữu, chế biến naphtha thành xăng thành phẩm (tức dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái).

Dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 654/QĐ-TTg ngày 28/5/2017 và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41121000025 ngày 6/7/2007.

Tuy nhiên do điều kiện tài chính cũng như một số điều kiện khách quan khác, dự án này đã không được Saigon Petro triển khai thực hiện.

Hệ thống bồn chứa tại Nhà máy lọc dầu Cát Lái

Ngày 1/9/2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 49/2011-QĐ-TTg về lộ trình tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông nhập khẩu, lắp ráp mới. Theo đó, từ ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu mức 4.

Đến năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức công bố quy chuẩn kỹ thuật xăng dầu theo các mức tiêu chuẩn môi trường mới. Đến lúc này, lãnh đạo Saigon Petro mới cảm thấy "hơi nóng phả sau lưng" vì các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Cát Lái mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Việc nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái trở nên cấp thiết.

Bàn tay khối ngoại

Để thực hiện dự án nâng cấp Nhà máy, Saigon Petro đã lập một pháp nhân làm chủ đầu tư – Công ty TNHH Lọc dầu Cát Lái. Đây là liên danh 3 bên, gồm: Saigon Petro (45%), Công ty Cổ phần Âu Lạc (24%) và đối tác ngoại PetroSummit Pte.,Ltd (30%).

PetroSummit có trụ sở tại Singapore, là doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản), hoạt động từ năm 1994 trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhiên liệu.

PetroSummit có quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam như Saigon Petro, PV Oil, Petrolimex, Thalexim… PetroSummit thường xuyên mua dầu thô Việt Nam và các loại condensate khu vực ASEAN, Australia.

Với sự tham gia của PetroSummit, dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái có tổng mức đầu tư sơ bộ là 1.179 tỷ đồng (tương đương 52,31 triệu USD), trong đó 70% là vốn vay.

Mục tiêu của dự án là nâng tổng công suất từ 350.000 tấn lên 400.000 tấn. Nguyên liệu là condensate, dầu thô nhẹ nội địa và một phần nhập khẩu. Sản phẩm chính là xăng và khí đốt hóa lỏng (LPG) đạt tiêu chuẩn nhiên liệu quốc gia. Sản phẩm phụ là dầu diesdel và benzene.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong năm 2018, chạy thử trong quý I/2019 và nghiệm thu quý II cùng năm.

Địa điểm xây dựng là trong phạm vi tường rào Nhà máy – kho xăng dầu hiện hữu của Saigon Petro tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM.

Chủ đầu tư dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái cho rằng sẽ hoàn vốn sau 6,5 năm

Về mặt kỹ thuật – công nghệ, theo đề xuất của Saigon Petro, công nghệ dự án bao gồm hệ chưng cất condensate (như nhà máy hiện hữu) và nâng cấp naphtha để sản xuất xăng và LPG, sau đó tách benzene ra khỏi xăng để đạt tiêu chuẩn nhiên liệu mức 4 và mức 5. Dự án sử dụng bản quyền đối với công nghệ nâng cấp naptha và tách benzene.

Dự án bao gồm 3 cụm công nghệ chính là CSF (chưng cất condensate), NUT (nâng chỉ số octane phân đoạn naphtha), BRU (tách benzene). Ngoài ra có các cụm phụ trợ: rửa hợp chất lưu huỳnh, phân xưởng phụ trợ, xử lý nước cấp, xử lý nước thải.

Chủ đầu tư tự tin hoàn vốn sau 6,5 năm

Saigon Petro cho biết sản phẩm của Dự án là E5 RON92 và E10 RON92, cả hai đều đạt tiêu chuẩn môi trường Euro V; LPG đạt mọi chỉ tiêu của tiêu chuẩn khí đốt dân dụng và nhiên liệu động cơ. Dung môi, dầu hỏa được sản xuất và tiêu thụ nhiều năm nay theo các tiêu chuẩn cơ sở của Saigon Petro, còn Benzene là sản phẩm mới thì PetroSummit sẽ bao tiêu.

"Sản lượng kinh doanh của Saigon Petro xấp xỉ 1 triệu tấn/năm (1,2 triệu m3) xăng dầu. Sản lượng xăng của dự án bằng 40% sản lượng kinh doanh còn sản lượng LPG bằng 80%. Saigon Petro có thị trường ổn định và hiệu quả tại phía nam. Dù công suất Nhà máy tăng thêm 50.000 tấn condensate, một sản phẩm chính của Nhà máy là LPG bằng 20% (khối lượng) nguyên liệu, do đó sản lượng nhiên liệu lỏng không tăng lên.

"Chủ đầu tư đã tính toán trên cơ sở năm 2024 (tất cả nhiên liệu có thuế nhập khẩu bằng 0) và dự án sẽ cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở giá thấp đủ bù đắp đầu vào nguyên liệu và chi phí sản xuất, thời gian hoàn vốn thực tế khoảng 6,5 năm", báo cáo của Saigon Petro nhấn mạnh.

Mọi việc đều ổn, chỉ trừ… quá lạc quan

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đề xuất Dự án của Saigon Peto là cần thiết và hợp lý. Công suất nhà máy sau nâng cấp chỉ tăng thêm 50.000 tấn/năm nên cơ bản không ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu và LPG trong nước.

Về nguồn nguyên liệu, Bộ Công Thương cho biết condensate trong nước hiện được cung từ nguồn khí Bạch Hổ và Lan Tây. Trong tương lai, khi nguồn khí Sư Tử Trắng (và nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố 2) đi vào khai thác, nguồn condensate sẽ được bổ sung đáng kể.

Tuy nguồn condensate này cũng không có dư thừa để cấp cho nhà máy xây dựng trong tương lai nhưng chủ đầu tư đã có phương án sử dụng đồng thời nguồn cung condensate trong và ngoài nước. Điều này, theo Bộ Công Thương, là tính toán phù hợp. Bản thân Saigon Petro cũng "đã cung cấp thỏa thuận nguyên tắc mua nguyên liệu cho dự án từ các đối tác", Bộ Công Thương cho hay.

Cũng theo Bộ Công Thương, "chủ đầu tư đã nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn công nghệ nâng chỉ số octane không dùng và không sản sinh hydrogen, không có chất thải khó xử lý và phù hợp, hiệu quả kinh tế".

Bộ cũng nhận định Saigon Petro có đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm và mức đầu tư 52,31 triệu USD là phù hợp.

Bộ kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái và cập nhât vào danh mục các dự án đầu tư trong Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Dù vậy, Bộ vẫn cho rằng các tính toán của Saigon Petro về NPV (61,9 tỷ đồng) IRR (19,12%) và thời gian hoàn vốn 6,5 năm là "khá lạc quan".

"70% vốn của dự án là vốn vay, được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM. Bộ đề nghị chủ đầu tư xem xét tìm kiếm thêm các ngân hàng cho vay khác để đảm bảo phương án thu xếp vốn khả thi. Đồng thời xem xét kĩ hơn về tiến độ triển khai dự án", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tin mới lên