Ngân hàng

BIDV quý I/2017: Vẫn chuyện ‘dẫn đầu quy mô, ngậm ngùi lợi nhuận’

(VNF) – BIDV tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về hầu hết các khía cạnh quy mô, tuy nhiên, lợi nhuận lại tụt lại so với 2 "ông lớn" ngân hàng Vietcombank và VietinBank.

BIDV quý I/2017: Vẫn chuyện ‘dẫn đầu quy mô, ngậm ngùi lợi nhuận’

Tình trạng "dẫn đầu quy mô, ngậm ngùi lợi nhuận" của BIDV trong năm 2016 tiếp tục tiếp diễn trong quý I/2017

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017. Báo cáo tiếp tục ghi nhận sự dẫn đầu của BIDV về hầu hết các khía cạnh quy mô như quy mô tổng tài sản, quy mô dư nợ tín dụng, quy mô thị phần kinh doanh…

Tính đến hết ngày 31/3/2017, tổng tài sản của BIDV đạt mức 1.026.251 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,97% so với hồi đầu năm và tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng.

Việc BIDV dẫn đầu về quy mô tổng tài sản có nguyên nhân quan trọng đến từ việc ngân hàng này dẫn đầu về quy mô dư nợ tín dụng. Đến hết quý I/2017, dư nợ tín dụng của BIDV đạt 758.530 tỷ đồng, tăng 4,8%. Hệ quả kéo theo là nợ xấu tuyệt đối của BIDV cũng thuộc hàng lớn nhất hệ thống.

Đến hết ngày 31/3/2017, nợ xấu nội bảng của BIDV ở mức 16.250 tỷ đồng, chiếm 2,14% dư nợ tín dụng, tăng so với mức 1,99% 3 tháng được đó. Về nợ xấu ngoại bảng, BIDV hiện còn khoảng 15.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa được trích lập dự phòng.

Song song với việc dẫn đầu về quy mô dư nợ tín dụng, BIDV cũng dẫn đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần về quy mô tiền gửi khách hàng với con số 762.402 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/3/2017, tăng 5% so với đầu năm. Thậm chí, BIDV cũng là ngân hàng dẫn đầu về quy mô nhân sự với con số 24.885 người.

Quy mô lớn, thị phần kinh doanh của BIDV theo đó mà tiếp tục dẫn đầu. Quý I/2017, BIDV ghi nhận đến 17.648 tỷ đồng thu nhập lãi, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều con số 10.771 tỷ đồng của Vietcombank và 14.872 tỷ đồng của VietinBank.

Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của BIDV chỉ đạt mức 2.277 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2016, thấp hơn nhiều con số 2.736 tỷ đồng của Vietcombank và 2.544 tỷ đồng của VietinBank.

Có hai nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của BIDV phải "ngậm ngùi" khi so với 2 "ông lớn" ngân hàng khác là Vietcombank và VietinBank, dù BIDV dẫn đầu về hầu hết các khía cạnh quy mô. Đầu tiên phải kể đến hiệu suất kinh doanh tín dụng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh tín dụng đem về cho BIDV mức thu nhập lãi vượt xa Vietcombank và BIDV, tuy nhiên chi phí lãi (chủ yếu là chi phí lãi tiền gửi) của BIDV lại chiếm tỷ trọng rất lớn. Quý I/2017, con số này của BIDV là 61,4%, trong khi của Vietcombank chỉ là 51% và của VietinBank là 58,5%.

Thứ hai, rất quan trọng, là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Thực tế quý I/2017, lợi nhuận thuần của BIDV vẫn duy trì vị thế cao hơn so với Vietcombank và VietinBank khi đạt mức 4.625 tỷ đồng, cao hơn mức 4.137 tỷ đồng của Vietcombank và 4.608 tỷ đồng của VietinBank. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần của BIDV lại bị bào mòn bởi chi phí trích lập dự phòng với cường độ mạnh hơn nhiều Vietcombank và VietinBank.

Quý I/2017, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của BIDV là 50,8%, trong khi của Vietcombank là 33,8%, của VietinBank là 44,8%.

Tình trạng "dẫn đầu quy mô, ngậm ngùi lợi nhuận" này của BIDV đã diễn ra trong trong năm 2016. Dù đã được đặt lên bàn đại hội đồng cổ đông năm 2017, tuy nhiên, lời giải từ phía ban lãnh đạo BIDV cho bài toán hóc búa này vẫn còn bỏ ngỏ.

Tin mới lên