Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng thấp, Chính phủ lo ngại 'không đạt kế hoạch'

(VNF) - Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu không đạt như kế hoạch và cải thiện vấn đề này là một trong số những ưu tiên chính sách trong những tháng còn lại của năm 2016.

Tăng trưởng tín dụng thấp, Chính phủ lo ngại 'không đạt kế hoạch'

Tăng trưởng tín dụng "khiêm tốn" là một trong những vấn đề đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm và tạo tiền đề cho đầu năm 2017. 

Cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó GDP quý IV phải đạt cố gắng cao nhất là từ 7,1-7,3% để GDP cả năm đạt 6,3-6,5%. 

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát lạm phát, các bộ không tăng giá bán điện từ nay đến cuối năm, điều hành giá xăng dầu phù hợp, xem xét kỹ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, triển khai tốt việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, xem xét giảm giá vé BOT ở các tuyến đường thu phí...

Về tiền tệ, tín dụng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm là đạt 17-18% nhưng 10 tháng mới đạt 11,81%, như vậy là "chưa đạt mục tiêu". Do đó, cần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng tiêu dùng, tăng trưởng sản xuất; thực hiện các biện pháp có hiệu quả giảm lãi suất, nhất là lãi suất vay. 

Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kiểm soát nợ xấu phát sinh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn trong toàn hệ thống.

Về đầu tư, Thủ tướng nhắc nhở, phê bình một số bộ, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn. Vốn ngân sách nhà nước hiện nay mới giải ngân được 62,6%, vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân được 46,3%. 

Do đó, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng phải tập trung giải ngân số vốn ngân sách và số vốn trái phiếu Chính phủ cộng với 24.000 tỷ đồng Thủ tướng vừa quyết định phân bổ cho các dự án, đặc biệt là 22 dự án vốn kết dư của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. 

Về tài chính, ngân sách, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi ngân sách, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là chi cho hội họp, tiếp khách, đi công tác, sử dụng xe công. 

Về thu ngân sách, triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc nợ thuế, chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách hành chính trong vấn đề thu thuế, hoạt động của cơ quan hải quan.

Trong khi đó, đối với xuất khẩu, trong 10 tháng đã tăng 7,2%, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu, nỗ lực cả năm tối thiểu phải đạt 8%, với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, rà soát, tháo gỡ rào cản cho xuất khẩu. 

Cùng với những nhiệm vụ trên, phiên họp Chính phủ đã thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2017. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu báo cáo cần giải thích rõ thông tin liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương.

Tin mới lên