Ngân hàng

Ông Trần Bắc Hà và nhiều cán bộ BIDV liên quan như thế nào đến đại án Phạm Công Danh?

(VNF) - Ủng hộ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tham gia vào chuỗi liên kết 4 nhà với tư cách BIDV là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất), nhiều cán bộ Ngân hàng BIDV "suýt"... xộ khám vì vô tình tiếp tay cho Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện các hành vi gây thất thoát cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà và nhiều cán bộ BIDV liên quan như thế nào đến đại án Phạm Công Danh?

Trái đắng "liên kết 4 nhà"

Theo hồ sơ, khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào khoảng tháng 9/2013, ông Phạm Công Danh đã đến Hội sở chính Ngân hàng BIDV tại Hà Nội gặp lãnh đạo nhà băng này để đặt vấn đề giới thiệu khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) sang cho BIDV. Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không đủ tài sản đảm bảo để vay vốn thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Sau khi được lãnh đạo Hội sở BIDV đồng ý cho các khách hàng của VNCB vay vốn kinh doanh VLXD theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà, ông Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn 12 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào (trong số các công ty do ông Danh lập ra) để lập khống hồ sơ vay vốn gồm: lập hồ sơ tài chính 2012, phương án vay vốn, các hợp đồng mua bán VLXD đầu vào - đầu ra...

Các hồ sơ này sau đó được nộp cho BIDV Hội sở chính và các chi nhánh BIDV sẽ trực tiếp cho vay để đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.

Sau khi nhận hồ sơ từ 12 công ty này, ông Đoàn Ánh Sáng, phó Tổng Giám đốc đại diện BIDV đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng. Khi có ý kiến này, Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy định sau đó trình ban lãnh đạo về việc phê duyệt chủ trương cho vay VLXD theo mô hình 4 nhà với các công ty.

Tờ trình này sau đó đã được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban Quản lý Rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng Giám đốc).

Ủy ban Quản lý Rủi ro sau đó cũng không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban Quản lý Rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.

Ngày 3.10.2013, ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD cho 12 công ty do Danh đề xuất. Cùng ngày, ông Trần Lục Lang đã ký 12 công văn gửi bốn chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.

Lãnh đạo BIDV các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2 và Nam Sài Gòn đã lần lượt phê duyệt và giải ngân cho 12 công ty của ông Danh, gây thất thoát cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.

Các cán bộ BIDV vì sao không bị khởi tố?

Được biết, dù các cán bộ BIDV trực tiếp thẩm định, phê duyệt các hồ sơ cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn, gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng nhưng theo tài liệu công bố của cơ quan cảnh sát điều tra, do không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh, nên các cán bộ BIDV chỉ bị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính.

Cụ thể, với ông Trần Bắc Hà, cơ quan điều tra xác định ông Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay và cũng... "không biết các công ty này do Danh thành lập". Tương tự, ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang dù đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty của ông Danh vay vốn nhưng không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh nên cũng không bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo, nhân viên khác của BIDV cũng được cơ quan điều tra xác định "có sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay" khi chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên... "hồ sơ khống". Tuy nhiên, sai phạm này không gây thiệt hại cho BIDV và cũng không có căn cứ xử lý hình sự.

Được biết, liên quan đến vụ việc trên, chỉ có ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là cựu lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng nên hiện cả 3 người này đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tin mới lên