Tài chính

Cổ phần hóa chậm vì muốn làm 'ông chủ giả' xài vốn nhà nước?

(VNF) - "Việc cổ phần hóa chậm là do tâm lý người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước muốn "làm ông chủ giả", xài vốn nhà nước,... khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh".

Cổ phần hóa chậm vì muốn làm 'ông chủ giả' xài vốn nhà nước?

Tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm chạp, tỷ lệ vốn đưa ra thị trường thấp.

Cổ phần hóa chậm vì muốn làm "ông chủ giả" cho khỏe?

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều ngày 6/12, chia sẻ kinh nghiệm về cổ phần hóa, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May nhấn mạnh sự quyết liệt chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp trong tiến hành cổ phần hóa. 

Theo ông, việc cổ phần hóa chậm là do tâm lý người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) muốn "làm ông chủ giả", xài vốn nhà nước,... khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh", bởi chỉ cần bảo toàn vốn là được. Do vậy không cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa để "chiến đấu" với thương trường.

Ông Nghị cho rằng khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu cổ phần hóa từ công ty mẹ trước, công ty con sau tiến độ sẽ nhanh hơn... Tuy nhiên, khi bán phải xác định rõ các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, phải đầu tư bằng cả khối óc và trái tim, không đầu tư lướt sóng,... có vậy doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, ông Nghị cũng ví von, khi bán một cái nhà, phải chống thấm, chống dột... để cái nhà đẹp hơn bán được với giá cao nhất. Thực tiễn có doanh nghiệp khi bán lại "làm cái nhà xấu đi" để bán giá thấp cho nhóm lợi ích...

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm chạp, tỷ lệ vốn đưa ra thị trường thấp. Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình bán vốn, không được để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là liên quan đến đất đai ở những vị trí thuận lợi.

Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn ở doanh nghiệp then chốt

Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. 

Doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin mới lên