Thủ tướng: ‘Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế là một lá phiếu ủng hộ Chính phủ’

Vĩnh Chi - 12/12/2017 09:09 (GMT+7)

(VNF) – "Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 12/12.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu tại VBF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng GDP 6,7% (cao nhất trong gần 10 năm qua), kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng trưởng mạnh…

"Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, trên 120.000 với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng, đồng thời có trên 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Số vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD, tăng 30%; số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

"Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết Việt Nam chuẩn bị bước vào năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 – 2020) với nhiều mục tiêu. Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam cũng đang chủ động hội nhập sâu rộng, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung giải quyết 6 vấn đề, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã ội, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành.

Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội đi cùng phát triển kinh tế; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ tư, khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo moi thuận lợi để mọi tầng lớp trong xã hội tham gia và nhận được thành quả của quá trình đổi mới, hội nhập; thúc đẩy phát triển bao trùm, từng bước nâng nhóm dân cư thu nhập thấp vươn lên hòa nhập với nhóm thu nhập trung bình và khá.

Thứ năm, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật.

Thứ sáu, thực hiện cải cách thuế bảo đảm sự minh bạch, công bằng và hiệu quả, mang tính cạnh tranh hướng đến tiêu chuẩn cao của OECD.

"Hiện tại thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ 20% và sẽ giảm còn 15 – 17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới.

"Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác