Tài chính quốc tế

Trung Quốc nới room ngoại ngân hàng lên 51% sau chuyến thăm của ông Trump

(VNF) - Trung Quốc đã có một bước đi quan trọng trong việc mở cửa hệ thống tài chính của mình. Hãng tin Bloomberg cho hay, Trung Quốc sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngân hàng và các công ty quản lý tài sản lên 51%, đồng thời cho phép các công ty nước ngoài chiếm đa số cổ phần trong các công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm trong nước.

Trung Quốc nới room ngoại ngân hàng lên 51% sau chuyến thăm của ông Trump

Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã có thể mua cổ phần để nắm quyền kiểm soát ngân hàng Trung Quốc

Các quy định mới được công bố tại một cuộc họp chính phủ ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu sẽ cho phép các công ty tài chính toàn cầu tiếp cận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quyết định này đại diện cho chiến thắng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã thuyết phục ông Tập Cận Bình cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần này và ủng hộ các cải cách của ông Tập sau cuộc hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước.

Trước khi quốc gia này có những bước tiến lớn trong việc mở cửa thị trường vốn và trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng quốc tế và các công ty chứng khoán từ lâu đã nản lòng bởi sự hạn chế trong góp vốn đã khiến họ trở thành những "người chơi cận biên" của một trong những hệ thống tài chính có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhà đầu tư tham gia vào thị trường Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm cạnh tranh từ các nhà đầu tư quốc doanh và mối đe dọa gia tăng nợ xấu, nhưng những người lạc quan nói rằng việc mở cửa sẽ tạo cơ hội cho các công ty nước ngoài và làm cho hệ thống tài chính trong nước hiệu quả hơn.

"Đó là một thông điệp quan trọng rằng Trung Quốc đang tiếp tục mở cửa và làm cho thị trường tài chính của mình có tính quốc tế và theo định hướng thị trường hơn. Còn mở cửa đến mức nào cho các công ty tài chính nước ngoài, chúng ta cần tiếp tục theo dõi", Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế châu Á của Mizuho Securities Asia Ltd. tại Hồng Kông, cho biết.

Thị trường Trung Quốc đã đón nhận thông tin này một cách bình tĩnh, với chỉ số Shanghai Composite Index đã thay đổi chút ít sau thông báo.

Các nhà hoạch định chính sách đã ám chỉ đến việc mở cửa trong những tháng gần đây. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các rào cản gia nhập vào các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ sẽ được dỡ bỏ theo một lộ trình định sẵn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan, người đã dành nhiều nỗ lực trong năm nay kêu gọi cải cách, đã lên tiếng ủng hộ cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính hồi tháng Sáu.

Thời điểm tuyên bố quyết định này trùng vào ngày Donald Trump kết thúc chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách là Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, khiến nó được ghi nhận như là công trạng của ông trong việc thuyết phục Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và xây dựng mối quan hệ ấm áp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. "Thực tế, quyết định này là kết quả của những kế hoạch lâu dài đã được chính phủ Trung Quốc thảo luận từ lâu", bà Iris Pang, một nhà kinh tế học tại ING Groep NV, Hong Kong cho biết.

Cuộc cạnh tranh với chính phủ

Bloomberg News đưa tin hồi tháng 9 rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang soạn thảo một loạt các cải cách nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với ngành dịch vụ tài chính, dẫn theo lời các chuyên gia quan tâm tới vấn đề này. Đầu năm nay, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co. Jamie Dimon cho biết ngân hàng này đã kiên nhẫn thương lượng với các nhà quản lý Trung Quốc về các cấu trúc tài chính mà quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay chính phủ.

"Tôi tin rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch này trong một thời gian rất dài, và bây giờ là thời điểm thích hợp để tuyên bố nó khi Tổng thống Trump công du Trung Quốc," bà Pang của ING nói thêm, "Điều này sẽ có lợi cho các công ty tài chính của Trung Quốc trong quá trình tiếp cận thị trường Mỹ".

Các quy định về sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài được nới lỏng sau một khoảng thời gian dài bị hạn chế, khi mà hầu hết các nhà đầu tư đã giảm hứng thú đối với cổ phần trực tiếp tại các đối tác Trung Quốc. Sau khi Citigroup Inc., và Goldman Sachs Group Inc. và một số công ty khác bán hết cổ phần của mình tại Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, HSBC Holdings Plc trở thành ngân hàng quốc tế duy nhất có vốn điều lệ lớn (19%) trong ngân hàng này, như là một phần của "trục xoay vòng châu Á" dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Stuart Gulliver.

Thậm chí nếu có toàn quyền kiểm soát các liên doanh Trung Quốc, thì các công ty tài chính quốc tế vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những cuộc cạnh tranh lớn nhất là từ các đối thủ là các công ty nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, hiện thống trị hệ thống tài chính của đất nước này và có mối quan hệ lâu dài với các công ty nhà nước khổng lồ đang nắm giữ và điều khiển phần lớn hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand ở Hồng Kông cho hay, các công ty nước ngoài vẫn sẽ vẫn tính toán tỷ suất lợi nhuận và rủi ro một cách cẩn thận, điều đó cho thấy, họ sẽ không bỏ qua thị trường có quy mô khổng lồ này.

Tin mới lên