Tiêu điểm

Trung Quốc từng xử các cựu Ủy viên Bộ Chính trị như thế nào?

(VNF) – Trong các năm qua, Trung Quốc đã truy tố, xét xử một loạt quan chức cao cấp, trong đó bao gồm cả các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm và đã về hưu. Những vụ xét xử này đã làm biến đổi sâu sắc cơ cấu quyền lực của nhà nước Trung Quốc, gây chú ý đặc biệt cho dư luận quốc tế.

Trung Quốc từng xử các cựu Ủy viên Bộ Chính trị như thế nào?

Từ trái qua: Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng

"Phiên tòa thế kỷ" của Bạc Hy Lai

Ông Bạc Hy Lai (sinh năm 1949) là một trong những ngôi sao của chính trường Trung Quốc trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, nắm giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh – một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Bạc Hy Lai là con trai của cố Phó Thủ tướng Trung Quốc Bạc Nhất Ba (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc), từng kinh qua các chức vụ thị trưởng Đại Liên, chủ tịch Liêu Ninh và Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Trong thời gian làm Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc nổi tiếng vì chiến dịch "đả hắc" (truy quét băng đảng) và xây dựng các đại dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Với uy tín cao, truyền thông quốc tế từng dự đoán ông Bạc sẽ lọt vào nhóm người quyền lực nhất Trung Quốc sau Đại hội 18 (tức Thường vụ Bộ Chính trị).

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi vào đầu năm 2012 Phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân bị điều chuyển công tác. Ông Vương đã chạy vào Đại sứ quán Mỹ tại Tứ Xuyên và xin tị nạn chính trị. Sự việc này đã khiến sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai, vốn đầy triển vọng, bỗng chốc sụp đổ.

Tháng 9/2013, tòa án Tế Nam tuyên án Bạc Hy Lai tù chung thân.

Ngày 14/3/2012, trong một động thái hiếm có trên chính trường Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo lên tiếng chỉ trích Bạc Hy Lai trong sự việc liên quan đến Vương Lập Quân.

Một ngày sau đó, ông Bạc bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng".

Ngày 10/4/2012, giới chức Trung Quốc thông báo ông Bạc Hy Lai bị đình chỉ tất cả các chức vụ trong Đảng, gồm ghế Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương. Vợ ông - bà Cốc Khai Lai, cũng bị tạm giữ để điều tra về nghi vấn liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Đến ngày 26/10/2012, Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) thông báo ngưng tư cách Đại biểu Ban thường vụ của ông Bạc.

Ngày 4/11/2012, ông Bạc tiếp tục bị Hội nghị toàn thể Trung ương 7 khóa 17 của Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua hình thức kỷ luật khai trừ đảng, đồng nghĩa xác nhận ông này không còn được giữ các chức Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 17.

Ngày 26/7/2013, vụ án Bạc Hy Lai nhận hối lộ, tham ô, lạm dụng chức vụ chính thức được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đưa ra khởi tố tại Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam.

Tại phiên tòa được truyền thông quốc tế gọi là "phiên tòa thế kỷ", ông Bạc đã rất quyết liệt trong việc bảo vệ bản thân trước các lời cáo buộc. Tuy nhiên điều đáng chú ý là ông này đã không sử dụng phiên tòa làm nơi hạ bệ chính quyền và các đối thủ chính trị. Điều quan trọng nhất, ông ta đề cao sự lãnh đạo của đảng trong khi vẫn nhất quyết phủ nhận các lời buộc tội

Diễn biến của phiên tòa đầy kịch tính với các chi tiết thắt nút và bất ngờ không chỉ với người dân Trung Quốc mà cả toàn thế giới. Bên cạnh những tiết lộ về những chuyến bao trọn máy bay, các biệt thự đắt tiền, thịt thú rừng quý hiếm, chuyện tình ngoài hôn nhân, những phát ngôn mạnh mẽ và thẳng thắn của ông Bạc còn hé lộ những thông tin về đời sống của ngôi sao chính trường một thời, được đánh giá là bất ngờ hiếm có.

Đặc biệt, phiên tòa được "tường thuật trực tiếp" trên mạng xã hội Sina Weibo cho tất cả mọi người theo dõi. Dù thiếu đơn vị kiểm chứng độc lập và không phải lúc nào cũng cập nhật ngay các diễn biến nhưng việc làm này thể hiện nỗ lực công khai của nhà chức trách, tờ báo hàng đầu Hong Kong SCMP nhận xét.

Tháng 8/2013, phiên tòa xét xử ông Bạc kết thúc. Đến tháng 9/2013, tòa án Tế Nam tuyên án Bạc Hy Lai tù chung thân, tịch thu toàn bộ tại sản. Cụ thể, ông Bạc nhận mức án tù chung thân cho tội danh nhận hối lộ, 15 năm tù cho tội tham nhũng, 7 năm tù cho tội lạm dụng chức quyền nhà nước và bị tước vĩnh viễn quyền tham gia các hoạt động chính trị.

"Trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân

Ông Chu Vĩnh Khang (sinh năm 1942) là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Công an và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương - một trong những người quyền lực nhất đất nước Trung Quốc, trước khi về hưu tại Đại hội 18 (năm 2012).

Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai là "cặp bài trùng" trong bộ máy tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì thế ngay từ khi ông Bạc bị hạ bệ, truyền thông quốc tế đã nhận định "con hổ" sa lưới tiếp theo sẽ là Chu Vĩnh Khang.

Những diễn biến tiếp theo đã không nằm ngoài dự báo này khi lần lượt các thân tín của ông Chu bị bắt giữ như Lý Đông Sinh, Lương Khắc, Lý Hoa Lâm, Tưởng Khiết Mẫn…

Đến tháng 7/2014, ông Chu chính thức bị điều tra do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ mà giới chức Trung Quốc thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng của giới quan chức.

Ngày 5/12/2014, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc công bố Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng và sẽ bị khởi tố. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sau đó cũng đã chấp thuận lệnh bắt giữ ông Chu.

Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc hàng loạt tội liên quan đến hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng và tổ chức, tội danh có phạm vi từ "nhận hối lộ đến làm lộ bí mật của Đảng và quốc gia" cũng như tội "lập nhiều phòng nhì".

Tân Hoa xã khẳng định ông Chu Vĩnh Khang đã nhận hối lộ số tiền rất lớn và lạm dụng quyền lực để giúp nhiều đối tượng khác kiếm chác, trong đó có một số tình nhân, người thân và bạn bè của ông. Chu Vĩnh Khang cũng bị cáo buộc gây tổn thất nặng nề tài sản quốc gia.

"Trùm an ninh" - Chu Vĩnh Khang bị tuyên án chung thân.

Ngày 22/5/2015, Chu Vĩnh Khang bị tuyên án chung thân trong một phiên xử kín tại thành phố Thiên Tân với tội danh nhận hối lộ, lạm quyền, cố ý tiết lộ bí mật quốc gia.

Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 Thiên Tân cho biết vì vụ án của ông Chu có một số chứng cứ phạm tội liên quan đến bí mật quốc gia nên tòa án tiến hành xét xử không công khai. Điều này trái ngược với phiên tòa xét xử ông Bạc Hy Lai cách đấy 2 năm.

Bản án dành cho Chu Vĩnh Khang khiến ông trở thành cựu lãnh đạo cấp cao nhất vào tù kể từ khi "bè lũ bốn tên", trong đó có bà Giang Thanh (phu nhân của nhà cố lãnh đạo Mao Trạch Đông) bị kết án.

Quách Bá Hùng - tướng lĩnh cấp cao nhất bị kết án

Ông Quách Bá Hùng (sinh năm 1942) từng là Thượng tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là một trong 25 thành viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc.

Quách Bá Hùng được xem là quan chức quân đội có quyền lực bậc nhất khi có quyền quyết định việc chi tiêu ngân sách quốc phòng cũng như quyết định các công ty nào được tham gia dự án của quân đội.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (2012), ông Quách về hưu cùng với Chu Vĩnh Khang. Và cũng như ông Chu, chỉ 3 năm sau ngày "hạ cánh", ông Quách bị Uỷ ban kiểm tra Kỷ luật của Ủy ban Quân đội Trung ương tiến hành điều tra vì nghi án tham nhũng.

Ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp và ra quyết định khai trừ Đảng đối với ông Quách.

Một năm sau đó, ông Quách bị kết án tù chung thân, cấm tham gia chính trường vĩnh viễn và bị tước quân hàm thượng tướng. Tài sản cá nhân, tiền bạc bất hợp pháp của ông cũng bị tịch thu và sung công quỹ.

Thượng Tướng quân đội Quách Bá Hùng bị kết án tù chung thân.

Theo tờ Đông Phương và tạp chí Tranh Minh số tháng 8/2016, Quách Bá Hùng đã can dự 713 vụ mua quan bán tước, nhận hối lộ tổng số hơn 2,22 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7.823 tỷ đồng). Quách còn cùng với Từ Tài Hậu lập ra một kho vàng nhỏ, có hơn 320 tài khoản tiền gửi, khi bị niêm phong tháng 5/2013 có tổng giá trị lên tới 79,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 277.200 tỷ đồng).

Quách Bá Hùng được coi là quan chức quân sự cao nhất của Trung Quốc bị đem ra xét xử trong nhiều thập kỷ qua, bởi trước đó, người đồng cấp của ông là Thượng tướng Từ Tài Hậu đã chết trước khi bị truy tố.

Tin mới lên