Ngân hàng

Vietcombank và tham vọng ‘vua bán lẻ’: Gạch nối nhân sự ngoại

(VNF) - Việc chọn ông Thomas William Tobin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối bán lẻ được xem là "gạch nối" quan trọng trong tham vọng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 tại Việt Nam vào năm 2020.

Vietcombank và tham vọng ‘vua bán lẻ’: Gạch nối nhân sự ngoại

Ông Thomas William Tobin được kỳ vọng sẽ trở thành "gạch nối" quan trọng trong bước chuyển mình thành "vua bán lẻ" của Vietcombank

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa có quyết định nhân sự lịch sử: tuyển dụng và bổ nhiệm ông Thomas William Tobin làm Giám đốc Khối Bán lẻ. Nói "lịch sử" là bởi, đây là nhân sự cao cấp người nước ngoài đầu tiên tại Vietcombank, cũng là đầu tiên tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank).

Từ trước đến nay, việc bổ nhiệm nhân sự cao cấp ở nhóm ngân hàng thương mại này thường không chỉ thuần túy về mặt quản lý, mà còn bao hàm cả yếu tố chính trị.

Nhiều nhân sự cấp cao sau khi rời ngân hàng thương mại Nhà nước đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý Nhà nước. Chẳng hạn ngay tại Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh từng rời cương vị Tổng giám đốc để đảm nhiệm chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; hay ngược lại, như Chủ tịch đương nhiệm Nghiêm Xuân Thành từng rời cương vị Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước để về lãnh đạo Vietcombank.

Gần đây nhất, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà đã được Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.

Người "phá lệ cũ" - ông Thomas William Tobin - có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, từng là giám đốc điều hành của HSBC phụ trách các nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong việc quản lý các đơn vị kinh doanh; hỗ trợ, quản lý hoạt động đầu tư chiến lược tại Techcombank (20%) và Bảo hiểm Bảo Việt (18%); đồng thời thực hiện chiến lược đưa HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài dẫn đầu tại Việt Nam.

Việc chọn ông Thomas William Tobin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối bán lẻ được xem là "gạch nối" quan trọng trong tham vọng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 tại Việt Nam vào năm 2020, cũng là dấu ấn và là tiền đề để ông Nghiêm Xuân Thành tạo dựng "di sản lớn" tại Vietcombank trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch.

Ông Thomas William Tobin - Tân Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank

Kể từ khi Viecombank có chủ tịch mới hồi tháng 11/2014 đến nay, mảng ngân hàng bán lẻ của Vietcombank đã phát triển rất nhanh. Dư nợ bn lẻ (cho vay khách hàng cá nhân) từ chỗ chỉ chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng vào năm 2014 đã tăng lên mức 20% vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên mức 25% vào năm 2016.

Năm 2012 và năm 2013, dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình, dư nợ bán lẻ chỉ chiếm lần lượt 12% và 14% tổng dư nợ tín dụng, phần nào cho thấy chuyển biến trong mảng ngân hàng bán lẻ dưới thời Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành là nhanh đến thế nào.

Nhưng những thành quả trên mới chỉ là bước đệm.

Vietcombank thực chất mới chỉ bắt đầu khởi động "Dự án chuyển đổi hoạt động bán lẻ nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược số 1 về bán lẻ" từ năm 2016. Đây cũng là năm ngân hàng này bắt đầu triển khai quản lý bán lẻ theo vùng thí điểm tại Hà Nội như là một bước chuẩn bị cho việc triển khai trong năm 2017 trên toàn hệ thống.

Đối với công tác nhân sự, năm 2016, Vietcombank mới chỉ bắt đầu xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng mới cho khối bán lẻ, ưu tiên hình thức cộng tác viên (hưởng lương trọn gói) và được xét trở thành cán bộ chính thức của Vietcombank trên cơ sở đánh giá kết quả bán hàng thực tế.

Chiến lược này là nhằm tăng tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động của khối bán lẻ. Đây cũng là chiến lược nhân sự hiếm có đối với một ngân hàng thương mại Nhà nước, cho thấy ưu tiên lớn nhất của Vietcombank thời điểm hiện tại là trở thành "vua bán lẻ", vượt ra ngoài các "luật lệ" truyền thống.

Bản thân mục tiêu "Đến 2020: Ngân hàng đạt Top 1 Bán lẻ và Top 2 Bán buôn" cũng cho thấy ưu tiên của Vietcombank đối với mảng bán lẻ khi sẵn sàng chấp nhận "về nhì" ở mảng bán buôn.

Mặc dù việc bổ nhiệm nhân sự ngoại vào vị trí quan trọng như Giám đốc Khối bán lẻ là bước ngoặt với Vietcombank, nhưng "độ vênh" trong quan điểm, triết lý điều hành, cách thức phối hợp… giữa nhân sự ngoại và nhân sự nội vẫn luôn là thách thức, từng là nguyên nhân khiến nhiều mối nhân duyên ngoại – nội đổ vỡ ở nhiều ngân hàng Việt Nam.

Tin mới lên