Bất động sản

2 'siêu dự án' vành đai tại Hà Nội và TP. HCM: 'Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng'

(VNF) - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá khó khăn lớn nhất của dự án trọng điểm quốc gia vành đai 4 - vùng Thủ đô là công tác giải phóng mặt bằng.

2 'siêu dự án' vành đai tại Hà Nội và TP. HCM: 'Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng'

Thời điểm chín muồi để triển khai dự án vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Ngày 4/5, cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá".

Thời điểm chín muồi

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nhiệm vụ xây dựng dự án vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Theo ông Phương, khi xây dựng các dự án này, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước.

"Đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được điều này do khó khăn. Đến nay, chúng ta cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng thời điểm hiện nay đã chín muồi. Việc xây dựng 2 tuyến đường này mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định.

Đồng quan điểm với ông Phương, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp bách của hiện tại mà còn là đòi hỏi cấp bách của sự phát triển trong tương lai. Việc xây dựng tuyến đường vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô không chỉ có căn cứ từ thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá việc Chính phủ quyết định phải làm 2 tuyến đường này thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.

Khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng

Đánh giá về những khó khăn khi triển khai dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết vành đai 4 - vùng Thủ đô có hình thức đầu tư là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là mô hình đầu tư giữa nhà nước và xã hội rất hiệu quả và hợp lý.

Để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn (85.813 tỷ đồng), chia thành 3 nhóm dự án thành phần. Trong đó nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận.

"Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ, quy mô rất lớn. Chúng tôi nhận thức khó khăn cho cả 2 khu vực vốn ngân sách trung ương và địa phương nay đã được cân đối tương đối hoàn chỉnh của đầu tư công trung hạn Trung ương 2021-2025; đối với Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỷ; đối với 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phải cân đối trên 28.000 tỷ, cơ cấu tương đương Trung ương, trong đó Hà Nội là chủ yếu, tiếp đó đến Bắc Ninh và Hưng Yên", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, đối với 3 địa phương triển khai dự án đường song hành dưới thấp, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Đối với dự án PPP-BOT quy mô 29.410 tỷ, phải triển khai xong vào năm 2025.

Khó khăn lớn nhất của dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô theo đánh giá của ông Tuấn là công tác giải phóng mặt bằng. Cơ chế đặc thù tạo lập từ các phương pháp chia nhóm dự án thành phần để tách riêng dự án giải phóng mặt bằng.

Theo ông Tuấn, vành đai 3 TP. HCM cơ bản không có đường sắt nhưng với vành đai 4 - vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30m trong tổng lộ giới giao động từ 90-135m, trung bình là 125m. Vì vậy nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3; đồng thời đây là quyết đáp của Chính phủ cho các địa phương, sau đây cũng sẽ được Quốc hội thống nhất là giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, tạo lập sự đồng bộ đồng thời.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng còn khó khăn nữa là Hà Nội thực hiện mô hình nhà nước phối hợp với xã hội, tức là đầu tư công kết hợp đầu tư công tư. Đây là việc giảm tải ngân sách Trung ương, địa phương. Kinh nghiệm cho thấy việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ngay cả giai đoạn 2, thì khả năng bảo đảm tính khả thi của BOT trong mô hình PPP là khó khăn.

Còn theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM Trần Quang Lâm, đối với vành đai 3 TP. HCM, kể từ tháng 11/2021, Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ cho TP. HCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Với vai trò "nhạc trưởng", ông Lâm cho biết trong tờ trình Chính phủ đã trình Quốc hội, TP. HCM sẽ là cơ quan đầu mối, sẽ điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, bảo đảm tuyến đường khi triển khai xây dựng cũng như quá trình khai thác đưa vào hoạt động, bảo đảm yếu tố kỹ thuật theo đúng thiết kế phê duyệt.

Tương tự như Hà Nội, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng đánh giá việc giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất, nhưng các địa phương đã vào cuộc, triển khai công tác chuẩn bị. Sau khi Quốc hội thông qua, sẽ bắt tay ngay vào triển khai.

"TP. HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công", ông Trần Quang Lâm nói.

Tin mới lên