2 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. HCM ước tính thu 650 tỷ/ngày

Anh Phan - 17/11/2020 15:49 (GMT+7)

(VNF) - Cục Thuế TP. HCM ước thực hiện số thu nội địa trừ dầu 2 tháng cuối năm được khoảng 39.700 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019 sau khi loại trừ các khoản thu đột biến và thu sát thực tế phát sinh; nâng tổng thu nội địa cả năm 2020 được khoảng 248.567 tỷ đồng, đạt 85,47% dự toán và giảm 14,5% so cùng kỳ năm 2019.

VNF
2 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. HCM ước tính thu 650 tỷ đồng mỗi ngày.

Cục Thuế TP. HCM cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do toàn đơn vị thực hiện trong 10 tháng được 207.447 tỷ đồng, đạt 71,33% dự toán năm 2020, giảm 11,4% (so cùng kỳ năm 2019). Riêng trong tháng 10, tổng thu nội địa được 30.886 tỷ đồng, đạt 10,62% dự toán năm và giảm 11,17%.

Theo ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, đây là kết quả thu đạt tiến độ dự toán thấp nhất của Cục Thuế TP. HCM trong các năm qua. Nguyên nhân là ngoài ảnh hưởng từ tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, còn do thực hiện việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 109/NĐ-CP và tác động giảm bởi các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (doanh nghiệp).

Tuy nhiên, từ tháng 9/2020 trở đi, các chỉ số tăng trưởng trên địa bàn đã có một số điểm sáng sau chuỗi các tháng suy giảm liên tục. Số liệu 10 tháng ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có dấu hiệu phục hồi nhanh. Nếu quý I/2020 tăng 4,5%, quý II/2020 giảm 11,5% thì quý III/2020 chỉ giảm 0,1%. Có 6/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng là tiền đề cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Kết quả thu trong 2 tháng 9 và 10 cũng có tín hiệu khởi sắc, do có nguồn thu hết thời gian gia hạn nộp và các chỉ số tăng trưởng kinh tế có tín hiệu phục hồi.

Căn cứ tình hình thu 10 tháng và tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, Cục Thuế TP. HCM ước thực hiện số thu nội địa trừ dầu 2 tháng cuối năm được khoảng 39.700 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019 sau khi loại trừ các khoản thu đột biến và thu sát thực tế phát sinh; nâng tổng thu nội địa cả năm 2020 được khoảng 248.567 tỷ đồng, đạt 85,47% dự toán và giảm 14,5% so cùng kỳ năm 2019.

Người đứng đầu cơ quan thuế TP. HCM và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cũng báo cáo kết quả thực hiện các mặt công tác khác trong 10 tháng; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nợ thuế, công tác chống thất thu ngân sách, công tác quản lý kê khai và hoàn thuế, tình hình quản lý hộ kinh doanh; kết quả thực hiện các biện pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác quản lý nội bộ…

Chỉ đạo về nhiệm vụ thu NSNN 2 tháng cuối năm của Cục Thuế TP. HCM, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng năm 2020, mặc dù có ảnh hưởng của Covid-19, nhất là khu vực dịch vụ (chiếm trên 62% số thu) bị ảnh hưởng nặng nề nhưng Chính phủ, UBND thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong các tháng cuối năm.

Kết quả là kinh tế thành phố 9 tháng tăng trưởng 0,77%, dự kiến cả năm tăng 1,3%, có nghĩa là quý IV, GRDP của TP. HCM sẽ tăng khoảng 2,89%. Như vậy, số thu 2 tháng cuối năm phải cố gắng để tăng ít nhất là tương ứng với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, tức tăng 2,89%.

Căn cứ tình hình trên, Cục Thuế TP. HCM có thể thu đạt 48.000 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Cao Anh Tuấn, Cục Thuế TP. HCM cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác thu hồi nợ thuế, đặc biệt là nợ thuế của các doanh nghiệp bất động sản; đẩy mạnh hơn nữa công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát và xem lại mức thuế khoán hộ kinh doanh trên địa bàn cho phù hợp...

“Cục Thuế TP. HCM cũng phải tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, trong đó, phải tập trung rà soát kỹ đối với việc hoàn thuế với xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu tại chỗ; đồng thời tập trung làm tốt công tác hỗ trợ người nộp thuế để các nghị quyết, nghị định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực sự đi vào cuộc sống…”, ông Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác