2023: Thế giới tiếp tục thắt chặt, lãi suất Việt Nam lại tăng lên?
Minh Dũng -
02/01/2023 08:02 (GMT+7)
(VNF) - Cuộc đua lãi suất đã hạ nhiệt khi lãi suất huy động bắt đầu dịu lại và mặt bằng lãi suất cho vay được yêu cầu giữ ổn định. Vậy lãi suất trong năm 2023 sẽ ra sao?
Cuối 2022 hạ nhiệt
Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, kể từ ngày 15/12/2022, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại. Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu niêm yết lãi suất huy động theo hướng đi xuống. Biểu lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng hiện xuống dưới mức 9,5%/năm.
Một vài ngân hàng gần đây đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó.
Đơn cử, trong biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), người gửi tiết kiệm sẽ nhận được mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm khi gửi dài hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng đã giảm lãi suất cao nhất từ 10,5% xuống 9,5%/năm. Mức lãi suất 9,5%/năm chỉ dành cho kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 9,2 - 9,4%/năm, thay vì 10,5%/năm như trước.
Tương tự, BaovietBank giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này lên tới 10,3%/năm với kỳ hạn 15 tháng.
Theo biểu niêm yết mới nhất, DongABank đã giảm lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 9,45% xuống 9,35%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,75% xuống 9,5%/năm. Với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi suất giảm từ 9,85% xuống 9,5%/năm.
Lãi suất huy động giảm nhanh chóng sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, đã bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm tiếp tục giảm mạnh. Ngày 29/12/2022, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 2,81%/năm.
Thời gian qua, cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng diễn ra khá căng thẳng, đưa mặt bằng lãi suất huy động lên mức cao nhất tới hơn 12%/năm. Lãi suất huy động lên nhanh đẩy lãi suất cho vay cũng tăng vọt. Có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay lên mức 16-17%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm. Điều này khiến chi phí khoản vay tăng lên, khách hàng vay lâm vào tình thế rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng cao.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và bớt căng thẳng hơn trước, cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đã đến lúc dừng lại.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong văn bản phát hành ngày 22/12/2022, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. NHNN khẳng định sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.
Lãi suất trong năm 2023 ra sao?
Bước sang năm 2023, nhiều dự báo cho rằng, NHNN có thể phải tiếp tục xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục. Theo các chuyên gia, lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh vào giữa năm 2023 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó và rất có thể lãi suất sẽ khó có bước giảm sâu.
Ngân hàng HSBC nhận định, trong năm 2023, Fed có thể giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất làm áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt nhưng lạm phát cơ bản vẫn tăng. Do đó, NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5-1 điểm % trong nửa đầu năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. ACBS cũng kỳ vọng lãi suất điều hành của Việt Nam có thể thêm 1-2 điểm % vào năm 2023.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái sẽ kéo dài cho đến quý II/2023. Sau đó, áp lực này có thể giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn. Vì thế, VNDirect cho rằng, NHNN có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Nhờ đó, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I/2023 và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi.
Chung quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup, cho rằng, năm 2023, tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi.
Nói về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN - cho biết: "Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn, NHNN sẽ nỗ lực duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới".
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.