Công ty Cổ phần VNG, tiền thân là Vinagame, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017, theo đó, VNG ghi nhận tới 721 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2017, gấp tới gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn vượt lợi nhuận cả năm 2016 vốn ở mức 676 tỷ đồng.
Sự gia tăng lợi nhuận "thần kỳ" này của VNG xuất phát từ tăng trưởng doanh thu ngoạn mục, từ mức 628 tỷ đồng nửa đầu năm trước lên gần gấp đôi, đạt 1.214 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất không phân tách cơ cấu doanh thu, tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, phần lớn doanh thu của VNG kỳ này đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) với tỷ trọng 85%. Tiếp đến là mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến với 16,4%. Các mảng dịch vụ nhạc chờ, dịch vụ tiếp thị tạo doanh thu không đáng kể. Mảng thanh toán trực tuyến qua 123pay thậm chí còn không đem về chút doanh thu nào.
Ngoài lợi nhuận, tiền gửi ngân hàng cũng là điểm nổi bật trong báo cáo tài chính VNG kỳ này. Đến hết ngày 30/6/2017, tổng tiền gửi ngân hàng của VNG lên tới 1.466 tỷ đồng, trong đó 231 tỷ là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 526 tỷ là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng, 641 tỷ là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm và 68 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm.
Tính ra, tiền gửi ngân hàng chiếm tới 38,7% tổng tài sản của VNG.
Thế nhưng, vẫn còn một điểm rất nổi bật khác trong báo cáo tài chính của VNG, đó là khoản vay của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Hồng Minh.
Làm ăn thuận lợi, VNG đang rất rủng rỉnh tiền bạc
Theo Thuyết minh số 9 Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của VNG, ông Lê Hồng Minh hiện đang vay VNG hơn 250 tỷ đồng. Khoản vay này là từ ngày 11/9/2012, không có tài sản thế chấp và đáo hạn vào ngày 8/10/2017.
Đúng ra, khoản vay này của ông Lê Hồng Minh sẽ đáo hạn vào tháng 4/2017, tuy nhiên, theo đề xuất của ông Minh, VNG đã gia hạn thêm cho vị chủ tịch này. Được biết, lãi suất của khoản vay này là 4,2%/năm.
Tháng 4/3/2013, nghĩa là chưa đầy 6 tháng sau khi ông Lê Hồng Minh vay hơn 250 tỷ từ VNG, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đã nhận đầy đủ tài liệu bổ sung Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo nội dung tại Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ (GĐKCBCPRL) ngày 14/1/2013.
Theo đó, công ty đăng ký chào bán 1.697.015 cổ phiếu với giá chào bán dự kiến là 150.260 đồng/cổ phiếu cho ông Lê Hồng Minh theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và các quy định của pháp luật.
Giao dịch trên được hoàn tất vào ngày 12/4/2013 đúng với số lượng và mức giá dự kiến ban đầu.
Tính ra, ông Lê Hồng Minh đã phải bỏ ra 255 tỷ đồng để mua hết lượng cổ phiếu riêng lẻ trên. Con số này gần như khớp với mức vay hơn 250 tỷ đồng của ông Minh bắt đầu từ tháng 9/2012. Như vậy, nhiều khả năng, lượng tiền mà ông Minh vay VNG là nhằm mục đích mua cổ phiếu riêng lẻ.
Đầu tháng 6/2017, VNG đã hoàn tất mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ nữa. Giá mua cổ phiếu quỹ không được công bố. Thế nhưng, trong năm 2015, HĐQT VNG từng phê duyệt mua lại cổ phiếu quỹ với mức giá 542.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu căn cứ theo mức giá phê duyệt năm 2015 và coi rằng mức giá này không đổi từ đó đến nay, trị giá cổ phiếu của VNG đã tăng gấp 3,6 lần, từ mức 150.260 đồng/cổ phiếu hồi năm 2013 lên mức 542.000 đồng/cổ phiếu.
255 tỷ đồng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh bỏ ra hồi năm 2013, nay đã có trị giá 918 tỷ đồng. Khoản vay từ VNG của ông Minh rõ ràng đã đem lại mức sinh lời rất đáng mơ ước.