Bất động sản

3 điểm nghẽn trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

(VNF) - “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa khai thác được những thế mạnh của vùng. Chính vì vậy vẫn còn đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực trong vùng”, TS. Trần Du Lịch nói và chỉ ra 3 “điểm nghẽn” liên quan đến vấn đề này.

3 điểm nghẽn trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng).

Khái niệm "vùng" chưa được thể hiện

Ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững; là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây…

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã tổ chức nhiều hình thức phối hợp, liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Liên quan đến vấn đề liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung cho rằng, các lợi thế của vùng vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát triển trở thành lợi thế cạnh tranh. Xuất phát điểm kinh tế của vùng nói chung là còn thấp. Nền tảng công nghiệp của vùng rất yếu; dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp tự cấp tự túc rất cao. Tình trạng dịch vụ xét theo nghĩa cạnh tranh phát triển còn yếu kém.

“Vai trò đầu tàu phát triển vùng của TP. Đà Nẵng thực sự chưa rõ nét, việc dẫn dắt, lan tỏa chưa đủ mạnh”, ông Thiên nói.

Ông Thiên cho hay, trong khoảng thời gian các địa phương tái lập tỉnh, đều tập trung củng cố nền tảng phát triển riêng của mình, chưa đủ điều kiện cho việc tập trung liên kết. Điều này giải thích áp lực liên kết cũng như điều kiện thúc đẩy liên kết vùng tự nhiên là chưa có, còn thiếu và thiếu rất nhiều. Hạ tầng kết nối vùng còn kém. Mức độ khai thác cảng biển, trình độ phát triển các khu công nghiệp còn thấp. Lực lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ mạnh nên số doanh nghiệp Việt Nam đủ lực khai thác lợi thế của vùng này còn ít, yếu.

“Đặc thù vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là các tỉnh gần đây bùng lên phát triển mạnh mẽ, nhưng đấy là từng tỉnh… Còn khái niệm "vùng" chưa được thể hiện”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Ông Thiên cũng cho hay, hiện nay quy hoạch phát triển vùng chưa có, mà đây là cơ sở để tổ chức phát triển vùng, nên không định hình được cách tiếp cận phát triển vùng.

“Cách tiếp cận phát triển vùng hiện nay vẫn dựa vào nguyên tắc các tỉnh độc lập. Cho nên động lực, lợi ích, quyền lực điều hành trong không gian vùng này đều tập trung ở tỉnh. Vùng không phải là một cấp thể chế độc lập dù chỉ là tương đối và có đủ quyền lực đối với các tỉnh trong vùng. Đó là điểm then chốt và hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được điều này”, ông Thiên nhấn mạnh.

Những “điểm nghẽn” trong liên kết phát triển vùng

Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, việc liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 3 “điểm nghẽn” chính.

Điểm nghẽn đầu tiên là giao thông kết nối vùng quá kém. Thứ hai, có hội đồng vùng nhưng tồn tại có phần hình thức, chưa có đóng góp nhiều. Thứ ba, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp trong hình thành những chuỗi liên kết chưa tổ chức được nhiều, ngoại trừ du lịch còn một số lĩnh vực khác chưa làm được.

“Phải nói rằng, liên kết phát triển vùng chưa khai thác được những thế mạnh của vùng. Chính vì vậy, vẫn còn đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực trong vùng”, TS. Trần Du Lịch nói.

TS. Trần Du Lịch kỳ vọng, sau khi tổng kết Nghị quyết 53 của Bộ chính trị, dải miền Trung sẽ làm tốt hơn các vấn đề vùng và tiểu vùng, nhất là tiểu vùng kinh tế. Đối với Vùng kinh tế miền Trung, trong tương lai tiếp tục xác định là kinh tế trọng điểm để có một số chính sách cần thiết, tạo động lực chung cho vùng này phát triển.

“Tôi tin rằng, sau khi tổng kết sẽ có Nghị quyết cho vùng này để tạo được đồng lực phát triển cho tương lai”, TS. Trần Du Lịch cho hay.

Tin mới lên