Ngân hàng

40 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất bị ế: Kiểm toán Nhà nước chỉ tên ngân hàng còn 'thờ ơ'

(VNF) - Liên quan tới gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2%, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều ngân hàng thương mại chưa chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.

40 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất bị ế: Kiểm toán Nhà nước chỉ tên ngân hàng còn 'thờ ơ'

Gói hỗ trợ 40 nghìn tỉ đồng ế hơn 38 nghìn tỉ, Kiểm toán Nhà nước 'điểm danh' loạt ngân hàng 'thờ ơ' thực hiện.

Khó khăn khi tiếp cận chính sách

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo đề cập đến việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. 

Tại báo cáo, KTNN đánh giá công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đi trước, chưa mang tính định hướng. Điều này thể hiện ở việc sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn chưa như kỳ vọng, nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Một số ngân hàng thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm; chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ.

“Theo tài liệu các đơn vị (NCB, VIB, Publicbank, HSBC, Sacombank) cung cấp, không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách. Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất…”, báo cáo nêu.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến ngày 31/12/2022, chương trình hỗ trợ lãi suất không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0,8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng). Đến ngày 31/3/2023, số tiền lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332,5 tỷ đồng, đạt 0,83% (đến cuối tháng 7/2023 được khoảng 681 tỷ đồng, tương đương 1,7%) nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.

Năm 2022, có 15/44 Ngân hàng Thương mại không hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể là các ngân hàng: Oceanbank, GPbank, CBbank, BacAbank, Baovietbank, LPBank, NCB, SCB, VietAbank, Vietbank, DongAbank, TNHH một thành viên Hong Leong Việt Nam, Woori Việt Nam, liên doanh Việt - Nga. Riêng

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đến ngày 31/12/2022 có phát sinh dư nợ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng chưa phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất do chưa đến kỳ trả lãi.

Ngoài ra, có 14/44 Ngân hàng Thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng, là ABBank, Banvietbank, PVcombank, Seabank, Kienlongbank, NamAbank, OCB, MBbank, VIB, Saigonbank, Sacombank, PGbank, Eximbank.

Ngân hàng thương mại chưa chủ động

Theo Kiểm toán nhà nước, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì còn một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, chưa có sự chủ động, tích cực triển khai chính sách. Số liệu thống kê các ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước cho thấy có 13 Ngân hàng Thương mại không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất dẫn đến Ngân hàng Nhà nước không triển khai chính sách một cách hiệu quả.

Báo cáo chỉ rõ tên các ngân hàng: DongAbank, HSBC, NH Liên doanh Việt - Nga, LPBank, BIDV, Vietbank, Sacombank, SCB, Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam, VietAbank, CBbank, Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam, Oceanbank.

Một số ngân hàng thương mại (BacAbank, NCB, GPbank) rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng 0; hoặc một số ngân hàng thương mại tự rà soát số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp. 

Trước đó, nêu ý kiến tại thảo luận tổ ở kỳ họp Quốc hội, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40 nghìn tỷ đồng đang ế hơn 38 nghìn tỷ.

“Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng kiểm toán lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại thì chưa tích cực triển khai chính sách”, ông Đồng nêu.

Ông Đồng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch COVID-19.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo mới đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.

Tin mới lên