5 dự án vay vốn WB tài khóa 2018: 3 dự án trị giá 363 triệu USD đứng trước nguy cơ đổ bể

Vĩnh Chi - 11/04/2018 17:39 (GMT+7)

(VNF) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về chương trình, dự án vay vốn World Bank (WB) tài khóa 2018.

VNF
3 dự án sử dụng vốn vay WB tài khóa 2018 đang có nguy cơ không được thực hiện

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tài khóa 2018 có 5 dự án với tổng vốn vay WB 800 triệu USD gồm: dự án "khoản vay chính sách ngành điện" (170 triệu USD) do Bộ Công Thương làm cơ quan chủ quản; dự án "chương trình phát triển chính sách biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh" (90 triệu USD) do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản;

Dự án "đầu tư và đổi mới dịch vụ y tế tuyến cơ sở" (103 triệu USD) do Bộ Y tế làm cơ quan chủ quản; dự án "phát triển tổng hợp các đô thị năng động" (317 triệu USD) do UBND các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Tĩnh làm cơ quan chủ quản; và dự án "khoản vay phát triển chính sách tài trợ ngân sách TP. HCM" (200 triệu USD) do UBND TP. HCM làm cơ quan chủ quản.

Vướng mắc lớn tại 3 dự án

Đối với dự án "khoản vay chính sách ngành điện", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương "làm việc với các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ về khả năng vay theo hình thức tự vay, tự trả và được bảo lãnh bởi các định chế tài chính trong nước hoặc nước ngoài, thay vì Chính phủ bảo lãnh".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với nhà tài trợ WB và được WB cho biết hiện nay chính sách của đơn vị này yêu cầu các khoản vay WB cần có sự bảo lãnh của Chính phủ. Do vậy, trường hợp Chính phủ không bảo lãnh khoản vay trên, nhiều khả năng dự án "khoản vay chính sách ngành điện" sẽ không được triển khai.

Đối với dự án "chương trình phát triển chính sách biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đề xuất dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản xin ý kiến và nhận được phản hồi của các cơ quan liên quan.

Đáng chú ý, trong các phản hồi, Bộ Tài chính đã đề nghị không tiếp nhận khoản vay của WB cho dự án trên do việc sử dụng vốn vay ưu đãi cho hỗ trợ ngân sách và thực hiện cơ chế tài chính cấp phát là không phù hợp với quy định của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Đối với dự án "đầu tư và đổi mới dịch vụ y tế tuyến cơ sở", Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến và đã nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hoàn chỉnh đề xuất dự án.

Đối với dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay hiện còn ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Bộ Tài chính đề nghị sử dụng toàn bộ 23 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại để trả lãi suất để khoản vay đạt thành tố ưu đãi (Bộ Tài chính tính toán nếu hòa đồng lãi suất IBRD và viện trợ không hoàn lại thì chi phí vay vốn là 3%). Trường hợp WB không đồng ý, Bộ Tài chính kiến nghị không vay nguồn vốn này cho dự án.

WB cho biết đây là dự án thí điểm đầu tiên WB huy động được vốn viện trợ không hoàn lại, trong đó sử dụng 15 triệu USD để mềm hóa điều kiện vay ưu đãi vốn (vốn IBRD) nhằm đạt chuẩn ODA, trên cơ sở đó Bộ Y tế có thể tiếp nhận dự án dưới hình thức cấp phát. Khoản viện trợ không hoàn lại còn lại (8 triệu USD) theo yêu cầu của đối tác đồng tài trợ, được sử dụng để tài trợ một số hành động, cải cách chính sách, tăng cường năng lực gắn liền với các hạng mục sử dụng vốn vay.

Việc Bộ Tài chính yêu cầu sử dụng toàn bộ vốn viện trợ không hoàn lại để trả lãi suất là không phù hợp với mục đích cung ứng viện trợ không hoàn lại của đối tác đồng tài trợ. Trường hợp dự án không được tiếp nhận sẽ ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn viện trợ không hoàn lại để đồng tài trợ cho các dự án vay vốn vay ưu đãi của WB sau này.

Sau khi có ý kiến giải trình (lần 2) của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến các cơ quan để xử lý các bước tiếp theo đối với dự án.

2 dự án vẫn đang "nằm chờ"

Đối với dự án "phát triển tổng hợp các đô thị năng động", dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án ngày 17/3/2017.

Tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cụ thể như sau: tiểu dự án thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 11/2017; tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tiểu dự án thành phố Hải Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi UBND tỉnh Hải Dương; các tiểu dự án Yên Bái, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan.

Đối với dự án "khoản vay phát triển chính sách tài trợ ngân sách TP. HCM", Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất dự án. Trên cơ sở đề nghị của UBND TP. HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án.

Chờ Thủ tướng quyết định

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc tiếp nhận các dự án vay vốn ODA/vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động của vốn vay nước ngoài lên nợ công và bội chi ngân sách.

Tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị cụ thể về giải pháp xử lý đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, các dự án đã được phê duyệt đề xuất dự án và các dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa được phê duyệt đề xuất dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Tại văn bản 2984/VPCP-QHQT ngày 2/4/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính có báo cáo rà soát bổ sung đối với báo cáo tác động nợ công nêu trên để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo rà soát bổ sung trình Thủ ướng xem xét, quyết dịnh.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chủ trương tiếp nhận các dự án vay vốn ODA/vốn vay ưu đãi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tại văn bản 47/BKHĐT-KTĐN ngày 25/1/2018, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo đối với các dự án vay vốn WB tài khóa 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác