67 công ty fintech Việt Nam cạnh tranh trong thị trường 4,4 tỷ USD
Việt Hưng -
20/12/2018 16:59 (GMT+7)
Thị trường fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance.
Uber là hãng gọi xe lớn nhất thế giới nhưng thực tế không sở hữu bất kì chiếc xe nào. AirBnB là hãng cung cấp nơi ở lớn nhất thế giới nhưng lại không có trong tay bất kì căn hộ, hay biệt thự nào.
Facebook là mạng xã hội thông tin phổ biến nhất hiện nay nhưng bản thân Facebook cũng không tự tạo ra bất kì nội dung. Tương tự như vậy, Instagram là mạng xã hội ảnh lớn nhất thế giới nhưng không có tấm hình nào đăng trên Instagram là thuộc sở hữu của ứng dụng này.
Tất cả những ví dụ trên đều cho thấy thế giới quanh ta đang diễn ra với một trật tự mới, nơi mà công nghệ đang len lỏi, và thay đổi cuộc sống mỗi con người.
Không nằm ngoài xu hướng này, trong những năm qua, khi công nghệ được áp dụng vào lĩnh vực tài chính, thì thị trường này cũng đang có những chuyển biến tích cực.
Chẳng hạn, thay vì phải trải qua những quy trình, thủ tục mất cả tuần trời, các ngân hàng giờ đây chỉ mất chưa tới 10 giây để duyệt khoản vay, máy rút tiền ATM dần bị thay thế bởi ngân hàng trực tuyến, giao dịch tiền mặt đang ngày một bị hạn chế và thay thế bởi thanh toán lướt, chạm hay vân tay...
Đó là fintech - viết tắt của "Financial technology" (công nghệ trong tài chính). Theo đó, fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng, đầu tư và tài chính.
Các dịch vụ liên quan tới fintech nổi bật như ví điện tử, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, tư vấn đầu tư tự động, cho vay ngang hàng,…
Ra đời tại Việt Nam từ khoảng 2015, các startup fintech đã sớm phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế gây chú ý với người dùng, các tập đoàn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và Cơ quan quản lý nhà nước.
Việt Nam hiện có 67 công ty fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này.
Tính đến hết năm 2017, thị trường fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance.
Trong đó, phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…
67 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam, thống kê bởi EY
Còn theo báo cáo từ EY - một trong 4 công ty kế toán - kiểm toán - tài chính lớn nhất thế giới, Momo đang là công ty dẫn đầu tại thị trường fintech tại Việt Nam, với số tiền nhận đầu tư lên tới 33,75 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered.
Theo sau là những cái tên nổi bật như: VnPay, 123Pay, Bảo Kim, Ngân lượng, OnePay, Payoo... với tổng số người dùng ước tính lên tới gần 48 triệu người.
Sự phát triển của các công ty fintech tại Việt Nam hưởng từ việc không đến một nửa dân số có tài khoản ngân hàng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và việc thiết bị di động ngày càng nhân rộng, cũng như hạ tầng thông tin được cải thiện.
"Phần lớn các công ty Fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, và đã có 26 doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Hiện đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động", ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Fintech Ngân Hàng Nhà Nước, cho biết.
Theo ông Sơn, thanh toán điện tử đang là lĩnh vực hấp dẫn được nhiều startup Fintech tham gia. Do đó, với đà phát triển hiện tại, thanh toán điện tử sẽ ngày càng phổ biến.
Dẫn chứng cho dự báo của lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam là số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Statista, khi tổng các giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 22% trong năm 2017 so với năm trước đó lên đến 6,14 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ còn nhân đôi lên đến 12,33 tỷ USD vào năm 2022.
Không chỉ các startup fintech mới vào cuộc, mà nhiều ngân hàng thương mại đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank,… đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt.
Các dịch vụ được tích hợp từ việc thanh toán các hóa đơn, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay… cho đến đặt tiệc hay vé xem các show biểu diễn ca nhạc. Mọi thao tác đều vô cùng nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo khả năng bảo mật cho ngân hàng và khách hàng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của fintech cũng đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý giữa thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, duy trì ổn định của hệ thống tài chính. Đó là nguy cơ rủi ro an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu người dùng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone