Ai hưởng lợi khi BIDV bị thu hồi hơn 1.633 tỷ từ đại án Phạm Công Danh?

Nguyễn Hoài - 23/12/2018 22:37 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 25/12 tới, phiên toà phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ tuyên án. Thị trường đang dõi mắt về việc BIDV có bị thu hồi 1.633 tỷ đồng như bản án sơ thẩm hay không và nếu thu, ai hưởng lợi số tiền này?

VNF
Thị trường dõi mắt xem BIDV có bị thu hồi hơn 1.633 tỷ đồng hay không. Ảnh Văn Vũ

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Văn phòng luật sư Nguyễn Huy Thiệp và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại phiên tòa phúc thẩm, cho rằng: nếu coi 1.633 tỷ đồng là “vật chứng” và cần bị thu hồi như bản án sơ thẩm đã tuyên sẽ xảy ra rất nhiều tác động tiêu cực.

Rối loạn hoạt động do bị coi là “vật chứng”

Theo trên, thứ nhất, theo quy định pháp luật hiện hành, các ngân hàng không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ.

Giả định, nếu buộc các ngân hàng phải xác minh số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng và khách hàng; các ngân hàng không đủ điều kiện, cơ sở thực hiện việc xác minh này.

“Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của ngân hàng với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc ngân hàng đó có quyền được trả nợ là hợp pháp. Trong trường hợp này, BIDV hoàn toàn không biết và không buộc phải biết nguồn gốc số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh dùng để tất toán các khoản vay của BIDV. Do vậy, BIDV được xác định là bên thứ ba ngay tình và được pháp luật bảo vệ tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015. Quyết định thu hồi số tiền 1.633.714.696.000 đồng nêu trên của Hội đồng xét xử sơ thẩm là không bảo đảm quyền và lợi ích của BIDV (bên thứ 3 ngay tình) theo quy định của pháp luật”, luật sư Thiệp viết trong bản bảo vệ quyền lợi cho BIDV.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật và thông lệ, các khoản thu tiền nợ đã được hòa chung vào nguồn vốn chung của ngân hàng. BIDV đã thực hiện phân bổ theo các cấu phần thu nhập, chi phí theo quy chế tài chính, trong đó bao gồm nhiều khoản chi trong năm 2012, 2013 như: trả tiền gửi, lãi tiền gửi; chi trả lãi vay, nộp thuế và các khoản nghĩa vụ khác đối với nhà nước, trả cổ tức cho cổ đông (trong đó có cổ đông lớn nhất là nhà nước)...

Tất cả các khoản thu nợ và việc phân bổ chi phí nêu trên đã được thực hiện hạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật kế toán và ghi nhận tại các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm (do các công ty kiểm toán quốc tế có uy tín và Kiểm toán Nhà nước thực hiện). Nếu phải trả lại số tiền 1.633.714.696.000 đồng thì việc giải quyết hệ quả của các giao dịch, hoạch toán nêu trên là không khả thi và rất khó có phương án giải quyết.

Rút dây động rừng

Theo luật sư Thiệp, BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 95% vốn và đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Số tiền mà ngân hàng này nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm như sau: năm 2013 (3.677 tỷ đồng) năm 2014 (4.540 tỷ đồng) năm 2015 (4.936 tỷ đồng) năm 2016 (4.483 tỷ đồng) năm 2017 (riêng nộp thuế là 2.221 tỷ đồng, chưa tính chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước).

Như vậy, nếu BIDV phải nộp số tiền nói trên, nhà nước là cổ đông chịu thiệt hại lớn nhất.

Chưa dừng ở đó, sự thiệt hại này có vẻ như còn liên quan đến một chi tiết từ câu chuyện “ngân hàng 0 đồng” mà VietnamFinance vừa trao đổi với một số chuyên gia ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng do hoạt động kinh doanh kém cỏi dẫn đến âm vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nay là CB, bị nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015.

Nếu BIDV trả lại trên 1.633 tỷ đồng thì số tiền này đã không được nhà nước lường tính tại thời điểm mua 0 đồng. Và do vậy, các cổ đông của ngân hàng CB (trước đó là VNCB) trước ngày 2/2/2015 có được hưởng hay không? Cứ giả định là các cổ đông này được hưởng thì việc chia phần sẽ như thế nào, chưa ai hình dung câu chuyện đến đâu.

Thêm một rắc rối nữa, toàn bộ khoản vay liên quan đến số tiền trên đã được BIDV tất toán từ 2013. Kéo theo đó là số tài sản bảo đảm của khách hàng vay và bên thứ ba (bảo lãnh) là bất động sản, có giá trị 3.721 tỷ đồng (lớn hơn giá trị khoản vay 2.700 tỷ đồng) đã được giải chấp.

Toàn bộ số tài sản bảo đảm này hiện không biết thuộc về bên nào. Nếu BIDV bị buộc phải trả số tiền đó, ngân hàng có trên 95% vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ lại phải một hành trình đi khiếu kiện đòi lại nhưng không dám chắc phần thắng là bao nhiêu phần trăm.

Chưa kể, có thể sẽ tạo ra những tiền lệ dẫn đến nguy cơ hàng loạt các giao dịch vay vốn, tiền gửi với giá trị nhiều tỷ đồng xảy ra tranh chấp, làm xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường trong toàn hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietnamFinance, BIDV đang thực hiện giao dịch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trị giá khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Nếu phải nộp “vật chứng” hơn 1.633 tỷ đồng, ngân hàng khó lòng hiện thực hoá thương vụ trên. Điều này dẫn đến vi phạm hệ số an toàn vốn, buộc ngân hàng phải thu hồi các khoản nợ đã cho vay để giảm dư nợ, tác động lớn đến nhiệm vụ cung vốn cho nền kinh tế.

Cùng chuyên mục
Tin khác