Thị trường

‘Ăn theo’ vụ lừa đảo 15.000 tỷ bằng tiền ảo, doanh nghiệp ‘tranh thủ’ quảng cáo... condotel

(VNF) – Tận dụng tâm lý hoang mang của giới đầu tư sau vụ 245 tỷ đồng tiền gửi "bốc hơi" tại Eximbank và vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan khiến 32.000 người thiệt hại 15.000 tỷ đồng, một chủ đầu tư dự án condotel đã "tranh thủ" quảng cáo dự án của mình như là một kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn hàng đầu.

‘Ăn theo’ vụ lừa đảo 15.000 tỷ bằng tiền ảo, doanh nghiệp ‘tranh thủ’ quảng cáo... condotel

Vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan khiến 32.000 người thiệt hại 15.000 tỷ đồng

Mới đây trên Fanpage của dự án The Arena Cam Ranh, có đăng tải dòng quảng cáo: "Mất 15.000 tỷ đồng với iFan coin của những nhà đầu tư. Mất 245 tỷ đồng trong ngân hàng. Kênh đầu tư an toàn là đâu?"

Doanh nghiệp ‘tranh thủ’ quảng cáo condotel.

Sau màn dẫn dắt này, Fanpage đã giới thiệu dự án condotel The Arena Cam Ranh, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang làm chủ đầu tư với những chính sách ưu đãi như: tài chính được kiểm toán bởi công ty uy tín, chia sẻ lợi nhuận cao nhất thị trường 9,5%, hình thức sử dụng để ở hoặc kinh doanh…

Thời gian gần đây, condotel đã tạo nên những tranh cãi gay gắt về rủi ro sau những cam kết về lợi nhuận và những điểm chưa rõ ràng về pháp lý.

Trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đã nêu quan điểm đáng chú ý về loại hình kinh doanh condotel.

Theo ông Hưng, thực chất condotel là một sản phẩm tài chính để huy động vốn, thay vì nhà đầu tư nhận được vốn gốc và lãi khi đáo hạn thì nhà đầu tư sẽ nhận được căn hộ khi đáo hạn và mức lợi nhuận hàng năm được cam kết không rõ ràng của người huy động. Nên ngoài các bộ ngành liên quan đến xây dựng và đất đai thì không thể thiếu vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước với các quy định quản lý.

"Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ các quy định của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu so với tổng tài sản huy động, phải chịu cơ chế giám sát về công bố thông tin bao gồm cả các nội dung quảng cáo, hợp đồng ký 2 bên và phương án cam kết lợi nhuận phải tuân thủ theo mẫu đã được cơ quan chức năng phê duyệt và chịu sự giám sát thực hiện hoặc bảo lãnh của một bên thứ 3....", Chủ tịch SSI nêu quan điểm.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, bà Chu Thị Bình – khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của hệ thống Eximbank từ năm 2011 – đã ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm cho ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM.

Ông Hưng sau đó đã tranh thủ sự tin tưởng của bà Chu Thị Bình, cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Thế nhưng, trên thực tế, ông Lê Nguyễn Hưng đã làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của bà Bình, chiếm đoạt số tiền lên tới 245 tỷ đồng.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo và đối chiếu, phát hiện tiền trong tài khoản "bốc hơi", bà Bình đã đến làm việc với Tổng giám đốc Eximbank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an).

Theo cơ quan điều tra, Phó giám đốc Eximbank Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài và cơ quan này đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can này.

Trong khi vụ việc"nữ hoàng" chứng khoán Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng vẫn đang gây xôn xao dư luận thì mới đây cũng tại TP. HCM, hàng chục người dân đã kéo đến vây chặt trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech (tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1) tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng.

Theo tố cáo của người dân, Modern Tech, iFan và Pincoin là dự án huy động vốn gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Tuy nhiên, iFan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.

Người đứng ra kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn (sinh năm 1983), đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của iFan.

Đáng chú ý, iFan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh "đa cấp" theo kiểu kim tự tháp.

Bằng kịch bản trên, iFan dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân khác cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào iFan.

Trong một diễn biến mới đây, theo tìm hiểu của PV VietnamFinance, doanh nghiệp này không còn tồn tại ở vị trí trên. Modern Tech chỉ thuê địa chỉ kinh doanh ảo chứ không hề có bất cứ hoạt động nào tại toà nhà này.

Tin mới lên