Anh phân vân ‘định đoạt’ tương lai cựu điệp viên Nga, Mỹ ‘đổ thêm dầu vào lửa’

Lê Anh - 09/04/2018 08:22 (GMT+7)

(VNF) – London đang cân nhắc việc cấp cho hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal "thân phận mới và cuộc sống mới" để họ có thể rời khỏi lãnh thổ Anh tới một nơi an toàn hơn hoặc đưa họ vào trong chương trình bảo vệ nhân chứng của Anh.

VNF
Anh muốn cấp cho hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal "thân phận mới và cuộc sống mới".

Tờ Sunday Times dẫn nguồn tin từ tình báo Anh cho biết cơ quan tình báo MI6 của Anh đã thảo luận với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ về khả năng cung cấp cho hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal "thân phận mới và một cuộc sống mới" tại Mỹ để "bảo vệ họ trước nguy cơ bị ám sát mới".

Tuy nhiên, MI6 cũng đang cân nhắc một vài quốc gia khác có thể tiếp nhận cha con cựu đại tá tình báo Nga là Canada, Úc và New Zealand, dù địa điểm Mỹ được đánh giá là tốt hơn cả.

Sunday Times dẫn một nguồn tin tình báo nêu rõ: "Rõ ràng nơi hợp lý nhất là Mỹ bởi họ khó có thể bị ám sát tại đó hơn. Bên cạnh đó, có thể dễ dàng bảo vệ họ dưới một thân phận mới."

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia chụp ảnh trước căn nhà tại Salisbury, Anh.

Trong khi đó, một tờ báo khác của Anh là Daily Telegraph lại đưa tin hai cha con Skripal có thể được đưa vào trong chương trình bảo vệ nhân chứng của Anh. Bộ Ngoại giao Anh hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Đề cập tới Yulia Skripal, người được cho là đã đủ điều kiện sức khỏe để chuẩn bị xuất viện, một nguồn tin cho biết "chính phủ Anh rất sẵn lòng giúp đỡ nếu cô ấy cảm thấy bị áp lực".

Theo nguồn tin, Yulia hoàn toàn tự do trong việc đưa ra quyết định về việc có muốn nhận sự giúp đỡ từ Anh hay không. Trong khi đó, Colin Sutton, một thanh tra viên về hưu của Anh, cho biết cha con ông Skripal không nên sử dụng lại những chiếc điện thoại mà họ đã dùng trước đây, đồng thời tránh xa mạng xã hội.

Thủ tướng Anh Theresa May và tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có sự thống nhất tuyệt đối trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc.

Trong khi nghi vấn cựu điệp viên 2 mang người Nga bị đầu độc tại Anh vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, truyền thông Nga đang đặt dấu hỏi cho những điểm nghịch lý trong vụ việc gây tranh cãi này. Đó là vì sao tình hình sức khỏe của 2 cha con điệp viên được cải thiện rất nhanh trong khi trước đó, Chính phủ Anh đã từng nhận định chất độc thần kinh nghi được sử dụng để tấn công cựu điệp viên Nga là do Nga chế tạo với khả năng sống sót rất thấp.

Mỹ lo ngại tới tính mạng của những cựu điệp viên hai mang khác của Nga

Các quan chức cao cấp của chính quyền Donald Trump mới đây đã tỏ ra lo ngại rằng, những cựu điệp viên hai mang của Nga sống tại Mỹ có thể sẽ là những đối tượng bị hạ độc tiếp theo sau Sergei Skripal.

Năm 2010, Nga và Mỹ thực hiện cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất lịch sử kể từ Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ân xá cho 4 người. Đó là những người đã bị kết án tù với tội danh hoạt động gián điệp chống lại nước Nga. Họ sẽ được trao đổi với 10 điệp viên bị kết án tại Mỹ.

4 tù nhân được ân xá là: Igor Sutyagin, chuyên gia vũ khí hạt nhân Nga, bị kết án 15 năm tù vào tháng 4/2004 vì cung cấp bí mật quốc gia cho tình báo quân sự Mỹ; Sergei Skripal, cựu đại tá Nga, bị kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì làm gián điệp cho Anh; Gennady Vasilenko, cựu điệp viên KGB, bị bắt năm 1998; Alexander Zaporozhsky, cựu đại tá của SVR, bị kết án 18 năm tù vào năm 2003 vì tội làm gián điệp cho Mỹ.

Ông Igor Sutyagin (trái) và ông Sergei Skripal được Anh cho tị nạn.

Sau đó, Sergei Skripal và Igor Sutyagin đã định cư ở Anh, trong khi Alexander Zaporozhsky và Gennady Vasilenko sống ở Mỹ.

Những cựu điệp viên hai mang này được cho là sẽ an toàn sau khi chính phủ các nước liên quan chấp nhận những thỏa thuận mà họ đã đặt ra.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công ông cha con cựu điệp viên Skripal mới đây, Nhà Trắng tỏ ra quan ngại rằng những người còn lại sẽ lần lượt là những mục tiêu tiếp theo của Nga.

Một viên chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ cho biết: "Đối với các đồng nghiệp của chúng tôi, những người làm việc trong lĩnh vực tình báo là một sự "phá vỡ luật chơi". Khi các nước thực hiện một cuộc trao đổi gián điệp, không ai muốn họ sẽ bị thủ tiêu sau đó".

Bức ảnh chụp ông Sergei Skripal (giữa, hàng 2) và đồng đội năm 1977.

Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại về những điệp viên được trả tự do cùng đợt với ông Skripal, một quan chức Nhà Trắng (giấu tên) nói: "Tất nhiên chúng tôi có. Chúng tôi có mối quan tâm lớn tới những cựu điệp viên hai mang Nga hiện đang sống ở Mỹ".

Vị quan chức này cho rằng sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế đối với vụ đầu độc ông Skripal có thể không làm nản lòng nước Nga khi tiến hành các vụ tấn công khác.

Quan chức này nói rằng cách nhà lãnh đạo Nga tiếp cận với ông Trump không giống với các Tổng thống Mỹ khác trong quá khứ.

"Nếu bạn nhìn vào quá khứ của [Ronald] Reagan và [Mikhail] Gorbachev và các nhà lãnh đạo khác, họ luôn nhận được sự tôn trọng từ phía người đồng cấp để có thể cùng ngồi xuống để trao đổi với nhau. Ông Putin thì khác, ông ấy dường như đang trải qua một "chiến dịch gây áp lực tối đa" chống lại các nước đối lập trong những năm gần đây".

Người này cũng nhận định rằng, vụ tấn công ông Skripal mục đích là để "răn đe" những điệp viên hai mang khác đang hoạt động tình báo ở nước ngoài. "Đó là một tín hiệu ớn lạnh với những ai đang cân nhắc việc sẽ phản bội nước Nga", người này khẳng định.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

>> Nghi ngờ cựu điệp viên Nga chỉ bị 'ngộ độc'

Theo Independent
Cùng chuyên mục
Tin khác