Áp lực đầu tư công: Ba tháng phải giải ngân 53% số vốn cả năm
(VNF) - Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng (kết thúc ngày 31/1/2025), nhưng vẫn còn đến gần 53% lượng vốn chưa được giải ngân. Với tình hình này, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 là áp lực với tất cả bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án
Đầu tư công: Nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết
Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2024, tổng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt tương ứng trên 52% và 56,74% kế hoạch).
Trong 10 tháng qua, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm như vậy chủ yếu là do một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân không cao.
Chẳng hạn như TP. HCM được giao 11,8% tổng kế hoạch vốn, nhưng mới giải ngân được 19,63% hay Hà Nội được giao trên 12% mới chỉ giải ngân được 44,62%...
Ông Đức cho hay, một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư; lập, phân bổ kế hoạch; tổ chức thực hiện. Những vướng mắc này thuộc thẩm quyền đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Có thể kể đến như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Mục tiêu giải ngân “không hoàn thành không được”
Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng (kết thúc ngày 31/1/2025), nhưng vẫn còn đến gần 53% lượng vốn chưa được giải ngân.
Với tình hình này, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 là áp lực với tất cả bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đòi hỏi có sự quyết tâm rất lớn.
Đồng thời, ông Đức cũng nhấn mạnh, mục tiêu này “không hoàn thành không được” đồng nghĩa với việc đây không chỉ là quyết tâm mà còn là nhiệm vụ. Bởi nếu chuyển vốn sang năm 2025 thì đẩy áp lực sang năm sau - năm cuối phải hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chu kỳ đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ông Đức cho hay, về cơ chế chính sách, những vướng mắc vượt thẩm quyền đã được Chính phủ trình Quốc hội xây dựng một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị sửa 2 luật liên quan là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Như vậy, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế, chính sách, thể chế đã được tháo gỡ.
Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 chỉ thị, 5 công điện, bình quân mỗi tháng có một văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra “5 quyết tâm” trong tổ chức triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Cùng với đó là yêu cầu thực hiện “5 bảo đảm”.
Trên cơ sở đó, cùng với các nút thắt về cơ chế chính sách được tháo gỡ, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
“Với nỗ lực như vậy, tôi tin rằng, năm nay có thể hoàn thành giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công”, ông Đức nói.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Dự án đầu tư công lớn nhất lịch sử
- Nhiều bộ ngành trung ương giải ngân đầu tư công 0% 08/09/2024 08:45
- TP.HCM: Áp lực giải ngân đầu tư công 60.000 tỷ trong 4 tháng 05/09/2024 07:15
- Thủ tướng Chính phủ phê bình 28 địa phương giải ngân đầu tư công thấp 16/07/2024 04:15
Những hình ảnh đầu tiên công viên giải trí khổng lồ trên Đảo tỷ phú ở Hải Phòng
(VNF) - Vinhomes Royal Island cũng là đại đô thị đầu tiên sở hữu riêng một công viên vui chơi giải trí VinWonders với Safari ngay trong nội khu.