TP.HCM: Áp lực giải ngân đầu tư công 60.000 tỷ trong 4 tháng
(VNF) - Tính đến cuối tháng 8/2024, mới giải ngân đầu tư công được 18,1%. TP.HCM đề ra mục tiêu giải ngân rất kỹ cho từng tháng nhưng cơ bản đều không đạt
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, mục tiêu giải ngân tháng 8/2024 giải ngân 16.200 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh còn 15.800 tỷ đồng, tức là điều chỉnh giảm từ 20,4% xuống còn 20,1%, nhưng đến cuối tháng 8/2024 vẫn hụt 2% mục tiêu.
Các chủ đầu tư được giao vốn lớn của TP. HCM đều không đạt tiến độ giải ngân mong muốn. Theo đó, 4 ban quản lý dự án thuộc thành phố quản lý phần lớn số vốn đầu tư công của thành phố nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân chung của TP. HCM.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết giải ngân 590 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8 chỉ giải ngân được 86 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 31,4 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết 153 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng. Còn Ban Quản lý đường sắt đô thị cam kết giải ngân 119 tỷ đồng nhưng cũng chỉ giải ngân được 32 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết năm 2024, Ban được giao 12.380 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.450 tỷ đồng, đạt 20%.
Trái ngược với tỷ lệ giải ngân thấp của bốn Ban quản lý dự án, tỷ lệ giải ngân của các quận huyện đạt 34%.
Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các Ban quản lý dự án kiểm điểm thật kỹ từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết từng tháng. Đến cuối năm phải giải ngân xoay quanh mục tiêu 95%, Ban nào khó khăn thì 90% trở lên.
Theo đại diện Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông này, có khoảng 2.000 tỷ đồng là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng ở các địa phương, theo tiến độ sẽ rơi vào cuối quý III và quý IV.
Khoảng 700 tỷ đồng là tiền khởi công dự án mới, rơi vào cuối quý IV. Khoảng 300 tỷ đồng là vốn ODA, nhưng đang gặp vướng mắc với các nhà thầu, hiện Ban đang thương thảo và dự kiến sẽ rơi vào quý IV.
Ngoài ra, còn khoảng 6.500 tỷ đồng là xây lắp, trong đó dự án Vành đai 3 chiếm khoảng 3.000 tỷ đồng.
Riêng về công tác giải phóng mặt bằng, Ban giao thông đề nghị các quận huyện sớm hỗ trợ đẩy nhanh công tác này. Hiện còn khoảng 1.000 tỷ đồng nằm trong nhóm các dự án vừa giải phóng mặt bằng, vừa có mặt bằng để thi công theo kế hoạch trước đây. Nếu không, khối lượng này sẽ giảm đi và tiến độ các dự án cũng bị ảnh hưởng.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết đến hết tháng 8, Ban chỉ mới giải ngân được 8,2%. Hiện nay, Ban đã được các sở ngành duyệt 12 dự án, và phấn đấu sẽ khởi công vào cuối năm nay để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Và hiện nay Ban đang tập trung 3 dự án. Cụ thể, cuối tháng 8 đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Y tế để thẩm định lần 2 dự án bệnh viện Thủ Đức. Từ nay đến ngày 15/9 sẽ tiếp tục trình dự án bệnh viện đa khoa khu vực Củ chi và bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. Hiện, Ban đang đề xuất 300 - 400 tỷ đồng cho mỗi dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đứng đầu danh sách những hạn chế của địa phương sau 8 tháng, khi tỷ lệ giải ngân hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi mục tiêu là hơn 20%. Từ nay đến cuối năm còn 4 tháng, với nhiệm vụ giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, tính trung bình mỗi tháng TP. HCM giải ngân 15.000 tỷ đồng là rất khó khăn.
Năm 2025, TP.HCM chi hơn 103.000 tỷ đồng đầu tư công
- Chủ tịch TP. HCM: Yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% 26/02/2024 10:47
- 5 tỉnh chậm giải ngân vốn đầu tư công: TP. HCM dẫn đầu 25/04/2023 07:08
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường hậu kiểm giải ngân vốn đầu tư công 10/11/2022 05:09
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.