Bất động sản

Áp thời hạn sở hữu chung cư: Doanh nghiệp lo không bán được nhà

(VNF) - Các doanh nghiệp lo ngại việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi mua nhà. Trong khi đó, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng đó là xu thế của thời đại và người dân phải làm quen, chấp nhận.

Tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Cần có giai đoạn chuyển tiếp

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp chọn phương án giữ nguyên quy định cũ, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty đô thị FPT Đà Nẵng, cho biết công ty ông hiện là chủ đầu tư của 4.000 căn hộ chung cư ở phía Đông Nam Đà Nẵng.

Theo ông Lộc, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư thì tâm lý của người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Lộc đề xuất nên giữ nguyên quy định trước đây.

"Đưa thời hạn sở hữu vào luật chắc chắn là vấn đề lớn, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện chương trình phát triển nhà ở. Ở Đà Nẵng, tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng nhiều hơn ở Hà Nội và TP. HCM bởi phương thức nhà chung cư mới được hình thành ở địa phương này", ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, cần có giai đoạn chuyển tiếp để người dân thấy việc đưa thời hạn sở hữu chung cư cũng bình thường, còn nếu đưa vào ngay thì bất ổn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty đô thị FPT Đà Nẵng cho rằng không nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thái Phúc, Giám đốc chi nhánh Vinpearl Quảng Nam - Đà Nẵng, cho hay theo pháp luật hiện hành, người mua chung cư trong dự án kinh doanh nhà ở sẽ có quyền sử dụng đất lâu dài, đồng thời có quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn. Đây là chính sách quan trọng để khuyến khích người dân mua và sử dụng chung cư. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã đề ra quan điểm khuyến khích phát triển nhà chung cư.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có văn hóa Á Đông, quan niệm nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là một tài sản có giá trị lớn để thừa kế cho con cái. Nhu cầu của người dân luôn là nhà ở sở hữu lâu dài.

“Do vậy, quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư. Trong khi đó, về mặt pháp lý, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo chưa phù hợp với quy định chung về sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có khái niệm ‘thời hạn sở hữu tài sản’ mà chỉ có quy định về xác lập quyền sở hữu và chấm dứt quyền sở hữu”, bà Phúc nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bật động sản Đà Nẵng, cho rằng việc đưa thời hạn sở hữu nhà chung cư về nội hàm không thay đổi so với quy định không xác định thời hạn. Tuy nhiên, quy định này gây xáo trộn tâm lý của người dân.

“Việt Nam chúng ta có văn hóa của người Á Đông, an cư mới lạc nghiệp và tài sản bất động sản không chỉ là sản phẩm để tiêu dùng mà đây là sản phẩm người dân tích lũy để lại cho con cháu đời sau”, ông Lập nói và đề xuất không đưa thời hạn sở hữu chung cư vào luật. 

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bật động sản Đà Nẵng nêu ý kiến tại hội thảo.

Phù hợp với xu thế

Trái ngược các quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành viên Hội luật gia Quảng Bình, lại đồng tình với quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư (được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng).

“Có ý kiến không đồng ý, cho rằng người dân sẽ chú trọng mua nhà mặt đất, nhưng thực ra đó là chuyện nhỏ, cần sửa đổi hướng tới tầm quan trọng”, ông Phương nói.

Theo ông Phương ở Việt Nam hiện có nhiều chung cư đã đến mức có nguy cơ sập đổ nhưng việc hủy bỏ để xây dựng lại rất khó, đó là chưa nói đến việc các tòa chung cư sau bao nhiêu năm cũng cần phải thay đổi thiết kế. 

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 7/10.

Ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, cũng cho rằng nên lựa chọn phương án áp thời hạn sở hữu chung cư, điều này giúp người dân mua chung cư có giá trị sát với thực tế.

Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng cho rằng: “Một đô thị văn minh thì người dân phải tập làm quen và chấp nhận với quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Nếu không thì việc lựa chọn cải tạo chung cư sẽ bế tắc”, ông Hùng cho hay.

Tin mới lên