(VNF) - Từ ngày 8/8, người dùng iPhone, Apple Watch tại Việt Nam có thể thanh toán trực tiếp dịch vụ tại cửa hàng mà không cần thẻ tín dụng, thẻ ATM.
Sau Malaysia và Singapore, Việt Nam trở thành nước thứ ba tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay. Đến nay, dịch vụ thanh toán này đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, khu vực và hợp tác với hơn 10.000 đối tác ngân hàng trên toàn thế giới. Công nghệ này giúp thực hiện thanh toán bảo mật tại các cửa hàng, phương tiện công cộng, trong ứng dụng và trên các trang web có liên kết.
Trong giai đoạn đầu, Apple Pay liên kết với một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VPBank và Sacombank. Các hệ thống đầu tiên chấp nhận dịch vụ của Apple là Winmart, Starbucks, Phúc Long, Mc Donald's, Highlands Coffee, CGV... và các ứng dụng như Baemin, Be, Hasaki, mytour.vn, Shopee.
"Thanh toán không tiếp xúc đang dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng Apple Pay sẽ phù hợp với thói quen của người dùng Việt Nam một cách liền mạch", Jennifer Bailey, Phó Chủ tịch Apple phụ trách Apple Pay và Apple Wallet khẳng định.
Apple Pay được phát triển bởi Apple để phục vụ người dùng hệ sinh thái iOS, triển khai tại Mỹ từ tháng 10/2014. Thay vì quẹt thẻ tín dụng, người dùng chỉ cần để iPhone và Apple Watch gần máy thanh toán tại siêu thị, cửa hàng, quán ăn... Các máy giao tiếp qua kết nối NFC và được xác thực trước mỗi giao dịch bằng vân tay - với iPhone hỗ trợ TouchID - hoặc nhận dạng khuôn mặt FaceID.
Để kích hoạt Apple Pay, người dùng cần điện thoại từ iPhone 6 hoặc mới hơn, chạy hệ điều hành iOS 12.5.2 trở lên. Dịch vụ cũng hỗ trợ Apple Watch Series 4, hoặc mới hơn nhưng cần cài đặt hệ điều hành tối thiểu là WatchOS 9 và phải được ghép đôi với iPhone 8 trở lên.
Trước Apple Pay, một số dịch vụ thanh toán với công nghệ tương tự cũng đã được triển khai ở Việt Nam như Samsung Pay (từ tháng 9/2017) hay Google Wallet (từ tháng 11/2022).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone