Tiêu điểm

'Ba chìa khoá then chốt' của DN: Phòng thủ - tích cóp - bắt nhịp xu thế

(VNF) - Theo TS Võ Trí Thành, dự báo sẽ có rất nhiều “ông lớn’ của thế giới đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây là những cơ hội chưa từng có mà các địa phương và DN phải nắm bắt.

'Ba chìa khoá then chốt' của DN: Phòng thủ - tích cóp - bắt nhịp xu thế

Mục tiêu tăng trưởng GDP 5- 6,5% rất khó

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy đến hết tháng 9/2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,92% so với cuối năm 2022, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra (14-15%).

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, thời gian qua dù NHNN và các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã và đang nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, tuy nhiên tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Nguyên nhân chính được cho là môi trường kinh doanh hấp thụ vốn thấp.

Theo đó, trong khi tín dụng chung tăng 3.6% so với cùng kỳ năm trước thì tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36%, đặc biệt tín dụng mua nhà để ở giảm 0,3%. Điều này phản ảnh rõ khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân.

Ở góc độ ngân hàng, việc tăng trưởng tín dụng dựa vào 2 yếu tố: tác động của chính sách và môi trường kinh tế xã hội.

“Về chính sách, NHNN đã thúc đẩy những giải pháp toàn diện về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất thông qua các chương trình cụ thể, thiết thực của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Cụ thể, NHNN đã sử dụng đồng bộ và hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng tăng 3,43% so với cùng kỳ là dấu hiệu rất tích cực minh chứng cho kết quả đã đạt được.Khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách tín dụng của NHNN hiện nay theo 2 khuynh hướng tích cực đối với doanh nghiệp: cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ đối khi xác định doanh nghiệp gặp khó khăn, hỗ trợ tạo lập dòng tiền để vực dậy doanh nghiệp; còn đối với doanh nghiệp đang hoạt động tốt, ngân hàng tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn và lãi suất giúp doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng.

Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được ưu tiên chính sách này và được xem là động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Đối với yếu tố môi trường kinh tế xã hội, theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, mặc dù những tháng cuối năm 2023 có những dấu hiệu tích cực hơn nhưng nền kinh tế vẫn thực sự khó khăn.

Theo dự báo mới nhất của World Bank, hay IMF đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới không chỉ mức thấp năm 2023 mà sang năm 2024 tăng trưởng vẫn có thể suy giảm. Các nền nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn và tổng cầu yếu.

Tại Việt Nam, tăng trưởng 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 4,2%. Qua 10 tháng xuất khẩu -7,1% và nhập khẩu -12,3% cho thấy các hoạt động thương mại chậm lại, đầu tư tư nhân yếu. Trong khi đó giải ngân vốn đầu tư công hiện khoảng 401.000 tỷ đồng, đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bởi vậy tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm, mục tiêu 6.0% - 6.5% năm 2023 theo kế hoạch đã đặt ra là rất khó.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích cho DN tăng trưởng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Đơn cử, tại TP. HCM, đã giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng, cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng. Sắp tới, gói cho vay bình ổn thị trường với lãi suất thấp (4-6%/năm, tương đương giảm giá thành 9.000 tỷ đồng) sẽ giúp doanh nghiệp TP. HCM khai thác tốt thị trường mùa cận Tết, kích thích tăng trưởng những tháng cuối năm.

Nhìn rộng hơn cho cơ hội của DN, TS. Võ Trí Thành nhận định, doanh nghiệp cần xác định 3 “chìa khóa” then chốt trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất, là “phòng thủ”. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, tăng cường cập nhật thông tin và quản trị rủi ro tài chính, xác định kịch bản và cách làm cuốn chiếu. Ví dụ, khi tình hình kinh tế thế giới bất ổn, đến nỗi IMF cứ 2 tháng phải dự báo lại một lần các chỉ số kinh tế thì doanh nghiệp phải có phương án ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt các công cụ quản trị rủi ro.

Thứ hai, là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”. Cơ hội luôn có nhưng doanh nghiệp cần biết “nhặt nhạnh”. Thế giới và Việt Nam có môi trường kinh tế xã hội không đồng đều, sự tăng trưởng không giống nhau. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì doanh nghiệp phải chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng. Ví dụ, hiện có 2 đặc trưng lớn là dịch vụ kết nối chuỗi cung ứng nhờ chuyển đổi số và sự phát triển của công nghệ được đánh giá là xu hướng mà doanh nghiệp cần nắm bắt để thích nghi với tình hình mới.

Và cuối cùng là “bắt nhịp xu thế”. Các ngành được quan tâm hiện nay là công nghệ cao, giáo dục, y dược, bán dẫn, hàng không…

Dự báo sẽ có rất nhiều “ông lớn’ của thế giới đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây là những cơ hội chưa từng có mà các địa phương phải nắm bắt. Riêng về xu hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, các tập đoàn tài chính lớn luôn cam kết nguồn vốn cho vay nếu đảm bảo các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).

“Chúng ta không thể chờ quá 3 năm, mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới, đây không chỉ là cam kết mà là xu hướng chung của các hoạt động trên thị trường”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tin mới lên