Bà Nguyễn Bạch Điệp: 'FPT Retail sẽ đẩy mạnh kích cầu trong năm 2018'
Hoàng Lan -
28/03/2018 11:52 (GMT+7)
(VNF) – Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail (Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT) nhận định thị trường điện thoại đang có xu hướng chững lại. Chính vì vậy, trong năm 2018, FPT Retail sẽ tập trung đẩy mạnh các chiến lược kích cầu.
Nhận định trên được bà Nguyễn Bạch Điệp đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của FPT Retail tổ chức sáng 28/3.
Chiến lược kích cầu mà bà Điệp đề cập đến gồm những hoạt động cụ thể như: Phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple, Chương trình F.Friend, Trợ giá điện thoại, Thúc đẩy mảng bán hàng online và tiếp cận khách hàng đa kênh.
Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu lên mức 16,020 tỷ đồng, tăng 22% so với 2017. Lợi nhuận sau thuế tăng 30% so với 2017, đạt mức 377 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng trưởng bình quân của FPT Retail trong giai đoạn 2018 – 2020 là 19,5%/năm cho doanh thu và 26%/năm cho lợi nhuận sau thuế.
Vẫn theo bà Nguyễn Bạch Điệp, kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13.147 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 289,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 21,1% và 39,7% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15,47% tổng doanh thu.
Việc thực hiện các chiến lược kích cầu theo hình thức trả góp làm nảy sinh vấn đề nợ xấu. Tại Đại hội sáng 28/3, các cổ đông đã đặt câu hỏi về tình hình nợ xấu của FPT Retail.
Đại diện Hội đồng quản trị cho biết nợ xấu của FPT Retail đến từ chương trình F.Friend. Trước đó, FPT Retail đã có kế hoạch cho vấn đề này và dự trù cho chi phí giá thành của chương trình F.Friend, trích trước 2%. Thực tế xảy ra chỉ khoảng 1%, nghĩa là vẫn nằm trong kế hoạch dự trù.
Để phòng ngừa nợ xấu, FPT Retail đã phối hợp với hãng điện thoại và viết phần mềm khóa máy thành công. Kỳ vọng phần mềm này hạn chế tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.
Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop có doanh thu trên diện tích sàn là 15,717 USD/m2, được đánh giá là vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Ngày 14/3 vừa qua, FPT Retail đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), theo đó FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phần tương ứng 400 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tại đại hội, trả lời cổ đông về kế hoạch niêm yết, bà Điệp cho biết nếu không có vấn đề gì xảy ra thì cổ phiếu của FPT Retail sẽ niêm yết trên sàn HoSE trong tháng 4. Mức giá dự kiến không thể công bố vì phải chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.
Hiện tại, tập đoàn FPT đang nắm 47% cổ phần của FPT Retail, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34,32%.
FPT Retail đang có hơn 480 cửa hàng được phân bổ tại 63 tỉnh/thành trên cả nước. Trong giai đoạn 2014-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận sau thuế của FPT Retail đạt 92%/năm. Hiện nay, FPT là nhà bán lẻ kỹ thuật số và hàng công nghệ lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Thế giới di động).
Bên cạnh lĩnh vực chính là kinh doanh kỹ thuật số, tháng 12/2017, FPT Retail đã "đặt chân" sang lĩnh vực dược phẩm với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình phát triển mảng dược phẩm, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết trong vòng 3-4 năm tới mảng này sẽ đóng góp 40% doanh thu FPT. Hiện tại, doanh thu của mảng dược phẩm đến từ 3 phần: 1/3 từ bệnh viện, 1/3 từ phòng mạch và bác sĩ, còn lại đến từ các nhà thuốc. FPT Retail có tham vọng chiếm 30% thị phần, tương ứng doanh thu 10.000 tỷ đồng của mảng vực dược phẩm.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.