Thị trường

Bắc Giang: Địa bàn quen thuộc của nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc

(VNF) - Bắc Giang là tỉnh thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các nhà đầu tư đặt các cơ sở sản xuất quy mô trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn. Đáng chú ý, Bắc Giang cũng là địa bàn yêu thích của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bắc Giang: Địa bàn quen thuộc của nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm khu sản xuất của Công ty THNN Hana Micron Vina, huyện Việt Yên, Bắc Giang

Những con số ấn tượng

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay, trên địa bàn tỉnh có có 275 dự án của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang hoạt động, chiếm 37,3% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn tỉnh lũy kế từ trước tới nay. Tổng số vốn đăng ký của các DN Trung Quốc đạt gần 6,4 tỷ USD, tương đương 42,5% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang.

Các dự án đầu tư của DN Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, chiếm trên 90% số dự án đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc trên địa bàn tỉnh, còn lại là dịch vụ hỗ trợ, xây dựng, bán buôn và bán lẻ.

Bên cạnh đó, các DN Hàn Quốc đã đầu tư 342 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 2,2 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về tổng vốn đăng kí trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Giang.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Giang tập trung ở các lĩnh vực: điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho những DN lớn như: Samsung, Foxconn...

Trong đó có một số dự án quy mô vốn tương đối lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc như: Nhà máy sản xuất của Công ty Hana Micron Vina với tổng vốn đầu tư 591 triệu USD tại Khu công nghiệp Vân Trung; Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Siflex Việt Nam với tổng vốn đầu tư 216 triệu USD tại KCN Quang Châu.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km cùng với hệ thống giao thông thuận lợi, việc di chuyển từ Hà Nội đến Bắc Giang chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Bắc Giang cũng cách Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị gần 100km nên rất thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa Trung Quốc, một địa bàn tiêu thụ và cung cấp linh kiện phụ trợ lớn nhất toàn cầu. Đây chính là một lợi thế hấp dẫn các DN Trung Quốc, hay các cơ sở lắp ráp cho các tập đoàn lớn toàn cầu chọn đặt cơ sở.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội (KORCHAM) cho biết, hiện có 190 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Giang, trong đó có 170 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Điều này cho thấy lợi thế của Bắc Giang trong thu hút đầu tư từ các DN Hàn Quốc, đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Bắc Giang đang diễn ra sôi động và ngày càng mở rộng.

Ông Vinh Văn Hữu - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Yadea tại Việt Nam cho biết, Bắc Giang có vị trí địa lý quan trọng, giao thông thuận tiện, các nhà cung cấp linh kiện ở gần, phù hợp với phương hướng đầu tư của tập đoàn. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ rất tích cực cho nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, do vậy chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư vào đây. Chúng tôi đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại Bắc Giang. Đây là dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đang được triển khai thuận lợi. Bắc Giang là nơi đầu tiên tập đoàn đầu tư ra nước ngoài. Sản phẩm xe điện của dự án xuất khẩu ra thế giới và hỗ trợ tích cực của địa phương đã giúp DN thuận lợi trong mở rộng sản xuất kinh doanh ra toàn cầu.

Chuyển từ bị động sang chủ động

Trao đổi với báo chí gần đây, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Quan điểm nhất quán của tỉnh Bắc Giang là chuyển hoạt động thu hút đầu tư từ thế bị động sang chủ động, chú trọng các dự án công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”

Theo đó, Bắc Giang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các DN để thu hút đầu tư.

Để có được những kết quả vượt bậc trong công tác thu hút đầu tư trong thời gian qua, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thì không chỉ tiếp xúc, trao đổi, mời gọi DN lớn ở nước ngoài mà còn đẩy mạnh, xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang. Từ đó, DN có niềm tin và tự giới thiệu để cùng nhau đến Bắc Giang. Đây là cách xúc tiến đầu tư tối ưu hơn địa phương tự quảng bá.

Ông Trang Tư Ức, đại diện nhà đầu tư Ingrasys Pte.Ltd cũng đánh giá cao tinh thần đồng hành của tỉnh Bắc Giang. Nhà đầu tư cam kết, không ngừng nỗ lực hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động, sản xuất gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Cũng như tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, ông Jeong Woo Jin - Công sứ, Tổng lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tốc độ đầu tư của các DN Hàn Quốc cũng đang mở rộng nhanh chóng tại Việt Nam. Trong đó, Bắc Giang nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên được nhiều DN quan tâm. Về việc Bắc Giang có chủ trương xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho các DN Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Bắc Giang trên các lĩnh vực như: công nghệ cao thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, logistics

Trong giai đoạn tới, tín hiệu về “làn sóng” FDI đổ vào Bắc Giang hứa hẹn rất mạnh mẽ. Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Bắc Giang còn rất lớn khi địa phương được quy hoạch nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn hàng ngàn hecta. Đón nhận tín hiệu này, Bắc Giang đang nỗ lực giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại để có thể thực sự trở thành một địa chỉ hấp dẫn FDI, trong đó chú trọng dòng vốn đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Những thách thức từ làn sóng FDI Trung Quốc

(VNF) - Dấu ấn của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng rõ nét, được thể hiện qua dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng. Tuy vậy, đằng sau đó là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Liên quan vấn đề này, Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã trao đổi với ông Ngô Nghị Cương, chuyên gia tư vấn đầu tư nước ngoài, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư C+.
Tin mới lên