Tài chính

Bách hóa Xanh liệu có thành công?

(VNF) - "Bách hóa Xanh liệu có thành công?" là câu hỏi khiến hầu hết nhà đầu tư phân vân khi lựa chọn rót tiền vào cổ phiếu MWG.

Bách hóa Xanh liệu có thành công?

Bách hóa Xanh liệu có thành công?

Cổ phiếu MWG chờ lực đẩy từ Bách hóa Xanh

Nếu để lựa chọn một vài mã cổ phiếu được khuyến nghị nhiều nhất bởi các công ty chứng khoán, với tiềm năng sinh lời thuộc hàng cao nhất, thì hẳn phải có chỗ cho cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG).

Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của nhiều công ty chứng khoán tiếp tục nhấn mạnh đến 3 chữ cái: MWG. Trong đó, khuyến nghị của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khá đáng chú ý.

Công ty chứng khoán này nhấn mạnh đến sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bán lẻ kể từ sau các cú sốc Covid-19, chỉ số niềm tin người tiêu dùng dường như không chịu ảnh hưởng, cùng với đó là triển vọng phục hồi rõ nét trong năm 2021.

MWG được VDSC đánh giá là "có nhiều ưu thế để tận dụng xu hướng trên và chuyển hóa thành lợi nhuận thông qua việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trong hai thị trường lớn nhất của ngành bán lẻ - tạp hóa và đồ điện tử - cùng năng lực bán lẻ dẫn đầu".

Đặc biệt, chuyên gia của VDSC nhấn mạnh đến câu chuyện có thể thúc đẩy giá cổ phiếu MWG trong thời gian tới: chuỗi Bách hóa Xanh đang tiến gần đến bước ngoặt về lợi nhuận.

Cụ thể, chuyên gia đánh giá mô hình thành công của Bách hóa Xanh đang dần được hoàn thiện bằng cách: thúc đẩy doanh thu trên mỗi đơn vị cửa hàng thông qua nâng cấp mô hình cửa hàng size lớn tại những cửa hàng hiện hữu có lưu lượng khách tốt; và tận dụng lợi thế quy mô để gia tăng chiết khấu mua hàng, cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Bất chấp việc Bách hóa Xanh đang nhân rộng mạnh mẽ địa bàn hoạt động sang Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây, hiệu quả của toàn chuỗi vẫn cho thấy sự cải thiện: chuỗi này đã đạt mốc hòa vốn EBITDA không chỉ tại cấp độ cửa hàng mà còn ở cấp độ kho cho hơn 1.600 cửa hàng vào cuối quý III/2020.

Đáng chú ý, khoảng cách giữa biên gộp và tỷ lệ chi phí hoạt động đang dần được thu hẹp so với năm 2019 mặc dù hoạt động mở mới cửa hàng vẫn đang diễn ra nhanh chóng.

"Trong thời gian tới, hiệu suất và độ bao phủ của hệ thống trung tâm phân phối (DC) sẽ tiến tới ngưỡng tối ưu, góp phần giảm tỷ lệ chi phí chung/doanh thu. Qua đó, chúng tôi dự báo mức lỗ của chuỗi Bách hóa Xanh sẽ dần được hạn chế và kỳ vọng có lãi từ quý IV/2021", phía VDSC nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng thị trường sẽ dành cho MWG mức định giá cao hơn từ năm 2021 trở đi, khi Bách hóa Xanh có lợi nhuận.

Tương tự, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) trong một báo cáo công bố gần đây cũng nhấn mạnh rằng cổ phiếu MWG sẽ sớm được tái định giá với mức P/E cao hơn khi chuỗi Bách hóa Xanh dần tiệm cận điểm hòa vốn.

Bên trong một cửa hàng Bách hóa Xanh mô hình lớn tại TP. HCM

Số liệu mới nhất từ MWG cho thấy, tháng 11/2020, chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục ghi nhận mức doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, tương đương doanh thu bình quân tháng mỗi cửa hàng đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm nay, Bách hóa Xanh đóng góp hơn 19% trong tổng doanh số của MWG.

Đại diện MWG cho hay Bách hóa Xanh đã vượt mục tiêu đề ra trước đó là có 100 cửa hàng diện tích (size) lớn hơn 500m2 trước cuối năm 2020. Tính tới hết tháng 11, mô hình này đã hiện diện tại 18 tỉnh thành khu vực Nam Bộ với tổng số 121 cửa hàng (trong đó, thêm 49 cửa hàng mới chỉ riêng trong tháng 11).

Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng lớn này đạt hơn 2,7 tỷ đồng/tháng.

"Việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi/mở mới các cửa hàng size lớn sẽ tác động ngắn hạn đến lợi nhuận do các cửa hàng này bị gián đoạn hoạt động kinh doanh mà vẫn phát sinh chi phí trong thời gian xây dựng/nâng cấp nên tỷ lệ chi phí vận hành trên doanh thu cao hơn khi đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên, đây là nỗ lực quan trọng để phục vụ nhu cầu mua sắm mùa cao điểm của khách hàng trong dịp Tết Nguyên Đán 2021", phía MWG cho biết.

Bách hóa Xanh liệu có thành công?

"Bách hóa Xanh liệu có thành công?" là câu hỏi khiến hầu hết nhà đầu tư phân vân. Không chỉ ban lãnh đạo MWG, không ít chuyên gia, nhà quản lý quỹ... bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng Bách hóa Xanh sẽ thành công, vấn đề chỉ là thời gian. Các nhà đầu tư nước ngoài có vẻ cũng cùng quan điểm này khi sẵn sàng trao tay nhau mức giá cao hơn từ 40% đến 50% so với thị giá trên sàn để sở hữu cổ phiếu MWG (do tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa).

Nhưng vẫn còn đâu đó sự phân vân nhất định, bởi những nhà quản lý quỹ, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài... là những người "ngoại đạo".

Đem câu hỏi "Bách hóa Xanh liệu có thành công?" gửi đến cựu giám đốc điều hành của một chuỗi hàng chục cửa hàng thực phẩm tươi sống tại Hà Nội, VietnamFinance nhận được câu trả lời: "Họ chắc chắn thành công".

Theo vị doanh nhân này, vấn đề khó nhất đối với các doanh nghiệp bán lẻ là training - đào tạo con người, bởi để làm bán lẻ quy mô lớn thì không thể ngồi văn phòng "chỉ mặt điểm tên" từng nhân viên. Với hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng trải dài trên cả nước, rất khó để làm chủ được chất lượng nhân viên. Ông đánh giá MWG đã làm chủ được vấn đề này, do đó họ nhân bản chuỗi cửa hàng rất nhanh và sản phẩm nào cũng nhân rộng được.

Vấn đề khó nhất trong ngành bán lẻ là đào tạo con người

Vị doanh nhân nhấn mạnh thêm, trong bán lẻ, 50% vấn đề là đào tạo con người, 50% vấn đề còn lại là vốn và xoay vòng vốn. Trong khi đó, MWG lại là "bậc thầy" về huy động và xoay vòng vốn.

"Đối với thực phẩm, thời gian lưu tồn rất ngắn, thời gian quay vòng rất nhanh, hao mòn vô hình rất lớn, hao mòn hữu hình rất lớn, sai số cũng rất lớn, khó hơn nhiều những sản phẩm như điện thoại. Điện thoại để một năm, năm sau chỉ lỗi mốt, vẫn có thể bán rẻ nhưng rau thì không thể để sang ngày mai. MWG rất hiểu điều đó, khả năng luân chuyển của công ty này tôi đánh giá là tuyệt vời", ông chia sẻ.

"Người trong ngành" chia sẻ thêm, trước đây MWG mở khoảng 100 cửa hàng Bách hóa Xanh diện tích 70, 80m2 nhưng không đạt hiệu quả về tài chính. Công ty này sau đó đã bỏ mô hình trên và tăng diện tích lên 200, 300, 500 m2 thì mô hình này cho thấy hiệu quả ngay.

Lý giải cho điều này, vị doanh nhân cho hay bên cạnh chi phí mặt bằng, chi phí nhân sự là một trong những chi phí lớn nhất trong ngành bán lẻ. Khi nâng cửa hàng từ 70 m2 lên 200 m2, chi phí mặt bằng có thể tăng gấp 3 lần, nhưng chi phí nhân sự đâu đó chỉ tăng khoảng 2 lần bởi dù diện tích khác nhau thì mỗi cửa hàng thường cũng chỉ cần một cửa hàng trưởng, một kế toán trưởng, một bảo vệ... Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ có thể tăng lên gấp 5, 7 lần trước đây.

Góc nhìn của bản thân lãnh đạo MWG, các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như "người trong ngành" đều đang cùng một hướng. Tuy nhiên, thành công của doanh nghiệp và sự tăng giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và như một nhà quản lý quỹ từng nói, vấn đề đối với cổ phiếu MWG đơn thuần là "thời điểm đầu tư".

Tin mới lên