'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng cả Samsung Electronics và SK hynix, hai doanh nghiệp hàng đầu về chip bán dẫn của Hàn Quốc, đang phải đối mặt với triển vọng ảm đạm khi mảng kinh doanh "béo bở" bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu tăng vọt, đồng won giảm giá so với đồng USD và cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài.
Các nhà phân tích cho biết, Samsung và SK sẽ phải đối mặt với điều kiện kinh doanh thậm chí còn bất lợi hơn vào năm 2023, bởi hai doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực chip nhớ nhưng lại chỉ chiếm 30% toàn bộ thị trường chip toàn cầu.
Triển vọng u ám này hoàn toàn trái ngược với dự báo dành cho TSMC và các công ty Đài Loan (Trung Quốc) khác đang tập trung vào các hoạt động không dùng chip nhớ như kinh doanh xưởng đúc - vẫn cho thấy nhu cầu ổn định của thị trường toàn cầu bất chấp điều kiện kinh tế chậm lại.
Ngoài ra, động thái của Mỹ nhằm hạn chế sự phát triển của Mỹ trong ngành công nghiệp chip, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu thiết bị chip do Mỹ sản xuất sang Trung Quốc, cũng trở thành một yếu tố tiêu cực đối với các nhà sản xuất chip Hàn Quốc.
Jim Handy, nhà phân tích về chip kiêm Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường chip Objective Analysis có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Samsung có thể trở thành số 1 thế giới về chất bán dẫn chỉ nhờ vào sự gia tăng của chip nhớ. Phần lớn doanh thu của Samsung đến từ các mặt hàng như DRAM và NAND flash vì vậy doanh thu của họ lên xuống khá dữ dội. Trong khi đó, cả TSMC và Intel bán các sản phẩm khác biệt, không có sự thay đổi nhiều như hàng hóa nên doanh thu các mặt hàng này của họ vẫn tương đối ổn định".
Theo các nhà môi giới địa phương, vị trí dẫn đầu của Samsung về doanh số bán chip toàn cầu có thể bị TSMC vượt qua ngay trong quý III/2022. TSMC, tạo ra lợi nhuận bằng cách sản xuất chip đặt hàng từ các công ty thiết kế chip, đã tạo ra doanh thu 19,1 tỷ USD trong quý III/2022, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, bộ phận bán dẫn của Samsung ước tính chỉ đạt mức doanh thu từ 16,7-17,4 tỷ USD.
Jim Handy nói thêm rằng những con số này giải thích tại sao Samsung Electronics (doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều kiện kinh tế toàn cầu và các đối thủ khác như Intel), đang cố gắng tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh xưởng đúc như TSMC đang làm.
Ông Jim Handy nhấn mạnh: "Nếu Intel tụt hạng xuống dưới TSMC thì đó là vì TSMC phục vụ thị trường rộng lớn hơn Intel. Intel tập trung vào bộ vi xử lý (MPU) trong khi TSMC bán rất nhiều thứ, bao gồm cả MPU. Đây là lý do tại sao Intel quan tâm đến việc trở thành một xưởng đúc nhằm khôi phục vị thế dẫn đầu thị trường bán dẫn của mình. Đây cũng là lý do tại sao Samsung Electronics đang nỗ lực để trở thành xưởng đúc hàng đầu thế giới".
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Hàn Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh về nuôi dưỡng nhân tài tương lai trong ngành công nghiệp chip so với những nơi sản xuất chip khác trên thế giới. Đặc biệt là khi so sánh Hàn Quốc với Đài Loan, nơi đào tạo hơn 10.000 chuyên gia liên quan đến chip mỗi năm và Mỹ nơi thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới theo đúng nghĩa đen, thì sự khác biệt thậm chí còn rõ rệt hơn.
Chính quyền Đài Loan đã bắt đầu nuôi dưỡng 10.000 chuyên gia chip mỗi năm từ 15 năm trước. Ngoài ra, họ đã ban hành một dự luật khuyến khích giáo dục liên quan đến chip bằng cách tăng 10% số sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến chất bán dẫn vào năm 2021. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc (KSIA) các công ty chip của Hàn Quốc hiện mới chỉ thuê khoảng 10.000 nhân viên mỗi năm và chỉ 1.400 trong số này theo học chuyên ngành kỹ thuật bán dẫn.
KSIA cho biết thêm, để Hàn Quốc giữ được vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp chip, chính phủ nước này cần nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ mạnh mẽ ngành công nghiệp chip bằng cách cung cấp nhiều lợi ích hơn, chẳng hạn như hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), cắt giảm thuế và lập kế hoạch tổng thể để thúc đẩy nhân viên kinh doanh chip trong tương lai.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã quyết định sẽ chi ngân sách đào tạo các chuyên gia bán dẫn là 450 tỷ won (314 triệu USD) vào năm 2023, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu nuôi dưỡng 150.000 chuyên gia chip trong 10 năm tới bằng cách cung cấp các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như giúp các trường đại học thành lập các trường chuyên về bán dẫn.
Lee Jong-hwan, Giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Bán dẫn Hệ thống tại Đại học Sangmyung (Hàn Quốc) chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể về mức lương giữa một sinh viên học chuyên ngành chất bán dẫn và một sinh viên học chuyên ngành phần mềm máy tính hoặc y học khi họ có việc làm sau này.
Ông Lee Jong-hwan nói: "Ngành chip cần rất nhiều sinh viên có trình độ thạc sĩ và tiến sỹ. Những sinh viên này phải học rất lâu mới lấy được bằng nhưng khi ra nghề thì lương không chênh lệch nhiều so với những người học ngành công nghệ thông tin khác. Đây là vấn đề cần được giải quyết để có nhiều người trẻ hơn làm việc trong lĩnh vực bán dẫn".
Giáo sư Lee Jong-hwan cũng nhấn mạnh thêm rằng Chính phủ Hàn Quốc cần có nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như tăng cường cơ sở nghiên cứu và mở rộng các chương trình học bổng cho sinh viên chuyên ngành chip để giúp họ có thể định hình nghề nghiệp của mình khi chọn học ngành kỹ thuật bán dẫn.
Ông Lee Jong-hwan nói thêm: "Khi tôi học ở Mỹ, tôi đã có thể gặp rất nhiều người đánh giá rất cao những người làm việc cho ngành công nghiệp chip. Mô phỏng công nghệ bán dẫn cũng rất quan trọng và các trường đại học và viện nghiên cứu ở đó rất phát triển". Ngược lại, "tôi cũng đã thấy rất nhiều sinh viên thông minh chọn học y khoa hơn là kỹ thuật bán dẫn ở Hàn Quốc. Nếu Hàn Quốc tăng cường lợi ích cho những sinh viên quyết định theo học ngành kỹ thuật chip, thì nhiều người trong số họ sẽ quyết định định hướng con đường sự nghiệp của họ trong lĩnh vực này và số lượng kỹ sư trong lĩnh vực chip đương nhiên sẽ tăng lên".
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.