Bamboo Airways liệu có ‘vẽ lại’ bản đồ ngành hàng không Việt?

Thanh Long - 29/03/2018 08:26 (GMT+7)

(VNF) – Công ty Chứng khoán HSC cho rằng chỉ khi Bamboo Airways nhận được chỗ đỗ đáng kể tại các sân bay lớn thì hãng hàng không này mới trở thành một thách thức lớn đối với các hãng hàng không hiện tại.

VNF
Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết kỳ vọng sẽ cất cánh vào năm 2019

Tập đoàn FLC mới đây đã ký Hợp đồng thoả thuận chính thức với Tập đoàn Airbus về việc mua 24 máy bay A321NEO phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways. Số máy bay này sẽ được giao từ năm 2019 đến 2025.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), về lâu dài nhiều khả năng động thái này sẽ tạo ra nguy cơ cạnh tranh đối với các hãng hàng không hiện tại, chẳng hạn như Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tuy nhiên nguy cơ này trong trung hạn là không lớn.

Hãng hàng không mới Bamboo Airways đã kỳ vọng nhận được giấy phép hoạt động từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được cấp do cơ quan quản lý lo ngại sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải. "Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc ký Hợp đồng thoả thuận trên cho thấy Bamboo Airways tự tin sẽ nhận được giấy phép trước cuối năm sau", HSC nhìn nhận.

Tuy vậy, HSC cho rằng chỉ khi Bamboo Airways nhận được chỗ đỗ đáng kể tại các sân bay lớn thì hãng hàng không này mới trở thành một thách thức lớn đối với các hãng hàng không hiện tại.

"Sự thành công của Bamboo sẽ phụ thuộc vào khả năng giành được vị trí và khung giờ cất hạ cánh hấp dẫn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, là hai sân bay mà Vietnam Airlines và Vietjet hiện đang chiếm ưu thế", HSC đánh giá.

HSC cho rằng Bamboo Airways sẽ giành được 1-4% thị phần trong giai đoạn 2019-2025 dựa trên giả định là hãng có thể bắt đầu hoạt động theo như kế hoạch đề ra.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ký hợp đồng với Phó Chủ tịch Airbus Eric Schulz.

Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt. Công ty được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC nắm 100% vốn.

Dự kiến hãng hàng không Bamboo Airways sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019 với một số máy bay thuê từ bên thứ 3 trước khi nhận máy bay mua theo Hợp đồng thoả thuận ký với Airbus. Bamboo Airways dự kiến sẽ trở thành hãng hàng không "hybrid", lai ghép giữa mô hình hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống.

Bamboo Airways đã xin cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 6/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Một lý do khiến chính phủ chậm cấp phép là hãng hàng không mới có nguy cơ làm sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải khi chưa mở rộng xong.

Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có thể sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay và Bamboo Airways kỳ vọng sẽ được cấp giấy phép vào năm 2019.

Chiến lược ban đầu của Bamboo Airways là tập trung mở các tuyến bay cả quốc tế và nội địa đến các tỉnh thành có khu nghỉ dưỡng của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc và Nha Trang. Nghĩa là dịch vụ vận tải hàng không sẽ là mảng kinh doanh hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khu nghỉ dưỡng.

Hiện tại, chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động trên thị trường nội địa Việt Nam, bao gồm -hãng hàng không truyền thống Vietnam Airlines và hai hãng hàng không giá rẻ - Vietjet Air và Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines.

Về thị phần, vào thời điểm cuối năm 2017, Vietnam Airlines nắm khoảng 43% thị phần nội địa và 28% thị phần quốc tế, trong khi đó Vietjet nắm 42% thị phần nội địa và 11% thị phần quốc tế.

Trong năm 2017, có 94 triệu lượt khách qua các sân bay của Việt Nam, tăng 16%. Giai đoạn 2010-2017, lượng hành khách chuyên chở qua các sân bay của Việt Nam gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 17%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau đó là Myanmar tăng 16% và Indonesia tăng 12,5%. Cục Hàng không Việt Nam dự báo lượng hành khách hàng không ở Việt Nam sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 14% trong giai đoạn 2017-2020.

Do hoạt động đồng thời ở cả thị trường trong nước và quốc tế, Bamboo Airways sẽ cạnh tranh trực tiếp với cả Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar.

"Theo nội dung MOU và quy mô vốn điều lệ của Bamboo Airways, chúng tôi cho rằng quy mô đội bay của hãng hàng không mới này sẽ tăng từ 4 lên 24 tàu bay trong giai đoạn 2019-2025. Như vậy, Bamboo Airways kỳ vọng sẽ tăng lượng hành khách chuyên chở từ 1 triệu lượt khách trong năm 2019 lên 6 triệu lượt khách trong năm 2025", HSC ước tính.

Dựa trên giả định Bamboo Airways có 70% là hành khách nội địa và 30% là hành khách quốc tế. HSC ước tính Bamboo Airways giành được 0,9%-4,2% thị phần trong nước và 0,7-1,6% thị phần quốc tế trong giai đoạn 2019 – 2025.

Cùng chuyên mục
Tin khác