Tài chính tiêu dùng

Khi nguồn lợi nghìn tỷ bỗng thành 'cơn ác mộng'

(VNF) - Những mặt tối của hoạt động bancassurance trong thời gian qua đã khiến bảo hiểm nhân thọ "mang tiếng xấu", kéo theo đó là sự sụt giảm trong số lượng hợp đồng bảo hiểm mới và doanh thu của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2023.

Khi nguồn lợi nghìn tỷ bỗng thành 'cơn ác mộng'

Lần đầu tiên sụt giảm sau hơn 10 tăng trưởng

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với hàng loạt khó khăn trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng niềm tin sau những lùm xùm liên quan đến bancassurance.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (sản phẩm chính) đang có hiệu lực chỉ còn 13,35 triệu, đánh dấu lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2014. Số hợp đồng bán mới toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt 1,028 triệu hợp đồng, giảm tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ sụt giảm trong số hợp đồng bảo hiểm mới mà thị trường bảo hiểm nhân thọ còn chịu tổn thất khi có khoảng 1,5 triệu hợp đồng bị hủy hoặc mất hiệu lực trong 6 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là do khách hàng chủ động hủy, dừng đóng phí trước thời hạn hoặc do hợp đồng hết thời hạn đóng phí.

Sự chững lại của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã kéo lùi doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm gần 8% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống còn 77.830 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu khai thác mới ước đạt 15.500 tỷ đồng, giảm mạnh tới 38%.

Doanh thu từ bảo hiểm của các ngân hàng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay.

Doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng chứng kiến mức giảm mạnh. Dựa trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của 8 nhà băng, doanh thu từ bảo hiểm đã giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn hơn 6.500 tỷ đồng.

Đơn cử như doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng SeABank giảm hơn 80%, xuống còn 46 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các ngân hàng như Techcombank hay TPBank cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 53% và 54,6% doanh thu từ mảng bảo hiểm trong cùng kỳ.

Vì đâu nên nỗi?

Sự xuất hiện và phát triển của bancassurance là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất của lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong những năm qua. Việc phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng đang dần trở nên phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Quy mô thị trường bancassurance toàn cầu đạt 1.354 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 6,35%. Thị trường bancassurance được kỳ vọng sẽ đạt 1.888 tỷ USD vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2028.

Tại châu Âu, doanh thu từ bancassurance đang chiếm tỷ lệ tới 50% trong tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ. Ở Trung và Đông Âu, bancassurance chiếm 14 – 22% trong tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ. Trong khi con số này ở khu vực Mỹ Latinh là khoảng 28%.

Theo The Financial Express, trong 5 thập kỷ qua, các ngân hàng ở Áo, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh đã đạt được thành công đáng kể nhờ áp dụng mô hình kinh doanh bancassurance. Đây cũng là những quốc gia chiếm từ 40 – 50% thị phần của ngành bancassurance toàn cầu. Trong những năm gần đây, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng nổi lên như một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của bancassurance.

Riêng ở thị trường Việt, tính đến năm 2022, bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance đạt 995.400 hợp đồng, chiếm tới 46% doanh số khai thác mới trong năm 2022.

Lũy kế đến hết năm 2022, bancassurance đã mang lại hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chiếm 25% tổng doanh số bảo hiểm nhân thọ trên toàn thị trường.

Bancassurance cũng mang lại nguồn thu lớn cho nhiều ngân hàng trong những năm trước. Trong năm 2022, ngân hàng MB ghi nhận doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng từ bảo hiểm hay ngân hàng VPBank cũng thu về 3.354 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động bancassurance.

Lùm xùm bảo hiểm liên quan đến ngân hàng SCB và công ty bảo hiểm Manulife.

Không có gì phải bàn cãi về những lợi ích mà bancassurance mang lại cho các bên liên quan. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt của bancassurance tại thị trường Việt lại dẫn đến một số hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bảo hiểm nhân thọ nói riêng và toàn thị trường bảo hiểm nói chung.

Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 350 đơn tố cáo của người dân liên quan đến bancassurance. Trong những năm gần đây, những câu chuyện khách hàng bị lừa kí bảo hiểm nhân thọ không còn là chuyện mới lạ. Nhiều ngân hàng bị tố “đánh tráo khái niệm”, biến “bảo hiểm nhân thọ” thành “tiết kiệm đầu tư” hay chuyển tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, đặt khách hàng vào thế đã rồi mà không hề hay biết.

Có không ít nhân viên ngân hàng thậm chí còn khiến người dân hiểu sai về bản chất của bảo hiểm nhân thọ, thay vì là sản phẩm bảo vệ rủi ro, họ lại “hô biến” nó thành một “sản phẩm sinh lời”.

Cách đây không lâu, hàng trăm khách hàng đã đồng loạt nộp đơn tố nhân viên ngân hàng SCB và công ty bảo hiểm Manulife sai phạm, khiến hợp đồng đầu tư tiết kiệm chuyển thành bảo hiểm nhân thọ bằng cách tư vấn không rõ ràng, giả mạo chữ ký và thực hiện một số hành vi lừa đảo khác.

Sự nhập nhèm khái niệm, cố tình bán bảo hiểm một cách mập mờ, thiếu minh bạch của nhiều ngân hàng đã khiến người dân phẫn nộ và ngày càng có nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Theo Vietnam Report, trong các cuộc thảo luận về bảo hiểm, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng về bảo hiểm đã tăng từ 2,2% trong năm 2022 lên mức 54% ở thời điểm hiện tại, tăng gấp 19 lần và chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Đây là một kết quả đáng báo động đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Cuộc khủng hoảng niềm tin đã cháy lan từ bancassurance sang toàn ngành bảo hiểm, kéo theo sự sụt giảm trong số lượng hợp đồng bảo hiểm mới và doanh thu của toàn ngành như đã nói ở trên.

Nhiều người mất niềm tin vào bancassurance và bảo hiểm.

Bên cạnh đó, những lùm xùm trong thời gian qua cũng đã khiến tốc độ tăng trưởng của bancassurance chững lại. VinDirect từng đưa ra dự báo hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023.

Vẫn còn dư địa cho bancassurance

Những tin tức tiêu cực về bancassurance và bảo hiểm đang khiến nhiều người dân e ngại, thậm chí là tẩy chay bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Dân số già ngày càng tăng, thúc đẩy nhu cầu về các chính sách hưu trí và chính sách bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ. Đây là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu về bancassurance trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Chính vì thế, dư địa cho bancassurance phát triển trong thời gian tới vẫn còn.

Dẫu vậy, để có thể lấy lại niềm tin đã mất, các ngân hàng cần quán triệt, rà soát lại toàn bộ hoạt động bancassurance. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc xốc lại thị trường bảo hiểm là rất cần thiết, từ đào tạo nhân viên tư vấn đến chuẩn hóa quy trình bán bảo hiểm. Ngoài ra, cũng cần phải có những chế tài, biện pháp xử lý nghiêm khắc với những đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động bancassurance. 

Các ngân hàng cũng cần phải xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm bancassurance phù hợp với xu thế thị trường và từng loại đối tượng khách hàng. Nếu điều này thành công, khách hàng vừa có thể tiếp cận được các sản phẩm đúng với nhu cầu và mong muốn của mình trong khi ngân hàng cũng thu lợi được từ các sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bancassurance của các ngân hàng cũng là tín hiệu đáng mừng, có thể giúp “thanh lọc” môi trường bancassurance và trả bảo hiểm nhân thọ về với đúng với bản chất của nó.

Tin mới lên