Bất động sản

Bão chưa tan với ngành xây dựng

(VNF) - Quý II/2023 tiếp tục là một quý buồn đối với ngành xây dựng Việt Nam, khi phần nhiều doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn, lợi nhuận suy giảm; một số rơi vào cảnh thua lỗ, số khác phải bán tài sản, vật tư để thoát lỗ, nhằm nuôi dưỡng một hi vọng phục hồi.

Bão chưa tan với ngành xây dựng

U ám

Không có đột phá nào trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý II, cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Thống kê của Đầu tư Tài chính đối với 14 doanh nghiệp xây dựng tiêu biểu, đang niêm yết và tự công bố thông tin, cho thấy có 9/14 doanh nghiệp suy giảm về doanh thu, 8/14 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận trước thuế, 1 doanh nghiệp báo lỗ trước thuế (và lỗ sau thuế là 3 doanh nghiệp). Tình cảnh này, về cơ bản, tương đồng với những gì đã diễn ra trong quý I, cho thấy ngành xây dựng vẫn nằm trong cơn khủng hoảng.

Kể cả khi nhìn vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng – điểm sáng hiếm hoi của bức tranh – giới quan sát cũng có thể thấy những điều đáng buồn. Quý II, Hòa Bình (HoSE: HBC) là doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế lớn nhất, đạt 585 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 68 tỷ đồng, và phải nhờ tới việc bán tài sản, vật tư, công ty mới có lãi. Với Ricons, chất lượng lợi nhuận cũng không cao hơn được bao nhiêu. Cụ thể, nhà thầu lớn thứ 3 thị trường này có lợi nhuận trước thuế quý II đạt 52 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, nhưng phần lớn lợi nhuận này đến từ khoản lãi trong công ty liên kết.

Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khác, gồm: Coteccons (HoSE: CTD), Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) Licogi 18 (HNX: L18) có chất lượng lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên các khoản lợi nhuận này lại khá nhỏ bé: CTD 39 tỷ đồng, TTL 10 tỷ đồng, L18 18 tỷ đồng.

Nhìn rộng ra các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế trong quý II, có thể thấy hầu hết cũng là khoản lợi nhuận nhỏ: Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) 34 tỷ đồng, Cotana (HNX: CSC) 13 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN) 11 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) 7,7 tỷ đồng, Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) 1,5 tỷ đồng, Đua Fat (UPCoM: DFF) 1,4 tỷ đồng, FECON (HoSE: FCN) 1,3 tỷ đồng.

Ngoại lệ duy nhất là Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) với lợi nhuận trước thuế 174 tỷ đồng, song so với cùng kỳ thì đã giảm tới 87%.

Quý II ghi nhận 1 doanh nghiệp báo lỗ trước thuế là Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) với khoản lỗ 524 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính lỗ sau thuế, số doanh nghiệp báo lỗ là 3, gồm: CC1 (-2,5 tỷ đồng), FCN (-1,4 tỷ đồng), SCG (-996 triệu đồng).

Lũy kế 6 tháng, bức tranh kinh doanh của ngành xây dựng chung một màu u ám với quý II: 9/14 doanh nghiệp suy giảm doanh thu, 9/14 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, 1 doanh nghiệp báo lỗ.

Doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế lớn nhất là SJG (240 tỷ đồng) thì lợi nhuận giảm 83% so với cùng kỳ; lớn thứ hai là HBC (142 tỷ đồng) thì lợi nhuận tới từ việc bán tài sản, vật tư; lớn thứ ba là Ricons (71 tỷ đồng) thì lợi nhuận được hỗ trợ từ công ty liên kết.

Các doanh nghiệp có được lợi nhuận (trước thuế) khác thì giá trị đều không lớn: CTD 69 tỷ đồng, CSC 39 tỷ đồng, L18 20 tỷ đồng, CC1 19 tỷ đồng, TTL 17 tỷ đồng, HTN 16 tỷ đồng, HAN 11 tỷ đồng, FCN 5,8 tỷ đồng, PHC 4,5 tỷ đồng, SCG 3,7 tỷ đồng. Trong số này, ngoại trừ CTD và TTL tăng trưởng lợi nhuận (lần lượt tăng 6,2 lần và 43%), các doanh nghiệp còn lại đều chứng kiến lợi nhuận suy thoái: SCG giảm 95%, HTN giảm 90%, CSC giảm 84%, PHC giảm 77%, HAN giảm 76%, CC1 giảm 48%, FCN giảm 34%, L18 giảm 5%.

DFF trở thành “con cừu đen” của 6 tháng đầu năm với số lỗ trước thuế 19 tỷ đồng, trong khi doanh thu cũng giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro gia tăng

Việc kinh doanh khó khăn trong một thời gian dài đã đưa đến hệ lụy là rủi ro ngày càng lớn cho các doanh nghiệp xây dựng. Ghi nhận của Đầu tư Tài chính cho thấy chất lượng tài sản của nhiều doanh nghiệp xây dựng đang ở mức xấu đáng báo động. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 10/14 doanh nghiệp xây dựng được thống kê có giá trị hàng tồn kho gia tăng, 6/14 doanh nghiệp có các khoản phải thu gia tăng. Sở dĩ việc gia tăng này là rủi ro vì tỷ trọng của các khoản phải thu, hàng tồn kho trong tổng tài sản của các doanh nghiệp vốn dĩ đã là rất lớn. Nói một cách hình ảnh, các doanh nghiệp giống như con lừa trong chuyện ngụ ngôn, đã chở quá nhiều đồ đạc rồi, chỉ cần vắt thêm 1 cái áo nữa là sẽ ngã lăn ra.

Minh chứng: về hàng tồn kho, các doanh nghiệp có tỷ trọng lớn là: CSC (71%), L18 (50%); về các khoản phải thu, có 11 doanh nghiệp có tỷ trọng trên 40%, gồm: FCN 41%, DFF 45%, HAN 49%, TTL 50%, PHC 53%, Ricons 54%, CC1 54%, CTD 58%, HBC 73%, HTN 78% và cao nhất là SCG 91,6%.

Cộng dồn tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu, có 9 doanh nghiệp đạt trên 70%, gồm: CTD 73%, TTL 73%, PHC 75%, HAN 77%, L18 84%, HBC 88%, CSC 89%, HTN 90% và SCG 95%. Tổng tỷ trọng này càng cao thì chất lượng tài sản càng kém, đi liền là rủi ro càng lớn.

Bên cạnh 2 chỉ số nêu trên, có một chỉ số khác cũng phản ánh rủi ro đang ngày càng lớn với không ít doanh nghiệp xây dựng, đó là khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi – phần nổi của tảng băng trôi nợ xấu. Trong số này, HBC đã đi một mạch từ chỗ vài trăm tỷ đồng lên tới 2.386 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, trở thành doanh nghiệp có dự phòng lớn nhất thị trường. Theo sát ngay sau là SJG với dự phòng 2.190 tỷ đồng, CTD (1.117 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm) rồi tới HAN (159 tỷ đồng), TTL (163 tỷ đồng), Ricons (37 tỷ đồng, tăng 95%)…

Tồn kho, phải thu gia tăng cũng là một trong những nguyên do khiến dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng âm nặng nề trong 6 tháng đầu năm. Trong số này, CC1 âm nặng nhất (-814 tỷ đồng), kế tiếp là HAN (-392 tỷ đồng), L18 (-365 tỷ đồng), PHC (-281 tỷ đồng), TTL (-220 tỷ đồng), CSC (-129 tỷ đồng), FCN (-123 tỷ đồng).

Để có tiền hoạt động, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh vay mượn. Thống kê cho thấy có 5 doanh nghiệp tăng trưởng dòng tiền đi vay trong 6 tháng đầu năm 2023, gồm: HBC (8.250 tỷ đồng, tăng 46%), PHC (908 tỷ đồng, tăng 50%), TTL (627 tỷ đồng, tăng 90%), L18 (1.191 tỷ đồng, tăng 22%), Ricons (731 tỷ đồng, tăng gấp 2). 3 doanh nghiệp khác tuy giảm tốc nhưng duy trì dòng tiền đi vay ở mức cao: HTN (1.640 tỷ đồng) FCN (1.491 tỷ đồng), CC1 (2.063 tỷ đồng).

Việc đẩy mạnh vay mượn đã làm quy mô nợ vay của nhiều doanh nghiệp tiếp tục “phình ra”: CTD (1.194 tỷ đồng, tăng 11%), PHC (1.317 tỷ đồng, tăng 22%), FCN (2.962 tỷ đồng, tăng 9,4%), TTL (805 tỷ đồng, tăng 20%), L18 (1.825 tỷ đồng, tăng 15%), DFF (2.231 tỷ đồng, tăng 1,7%), HAN (1.089 tỷ đồng, tăng 17%).

Hệ quả là quy mô nợ phải trả tăng trưởng, đẩy hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) lên một tầng nấc mới. Theo thống kê, có tới 8 doanh nghiệp có D/E trên 3 lần, trong đó HBC đứng nhất, tới 10,3 lần! Theo sau HBC là L18 (5,93 lần), SCG (5,12 lần), HTN (4,11 lần), DFF (3,82 lần), HAN (3,56 lần), PHC (3,28 lần), TTL (3,01 lần). Thực trạng này cho thấy các doanh nghiệp xây dựng đang trong tình cảnh rất chông chênh về tài chính, thậm chí có thể “sập hầm”.

Theo giới chuyên môn, thị trường xây dựng sẽ rất khó trở lại trong vòng 1 – 2 quý tới, bởi thị trường nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi, trong khi đó xây dựng công nghiệp và hạ tầng chưa đạt tới trạng thái bùng nổ như kỳ vọng, dù cho Chính phủ vẫn đang thúc đẩy đầu tư công. Nhóm doanh nghiệp trúng thầu dự án sân bay Long Thành (gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng) có lẽ sẽ có nhiều triển vọng hơn các đơn vị khác, ngoài ra CTD với năng lực tốt được nhìn nhận sẽ có ưu thế trong việc “đánh chiếm” thị phần các dự án FDI tại Việt Nam. Với phần còn lại, câu chuyện có lẽ sẽ còn rất dài với rất nhiều gập ghềnh, trắc trở.

Tin mới lên