Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, cộng dồn 6 tháng đầu năm, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường đạt 134.273 chiếc, sụt giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lượng xe du lịch bán ra thị trường đạt 79.399 chiếc, tăng 7%; các loại xe thương mại đạt 47.426 chiếc, giảm 9%; và các loại xe chuyên dụng đạt 7.448 chiếc, giảm 18%.
Đáng chú ý là trong 2 tháng liên tiếp gần đây, sức mua ôtô đang vào đà tăng trưởng khá mạnh.
Cụ thể, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường tháng 5/2017 đạt 23.232 chiếc, tăng 6% so với tháng liền kề trước đó. Sang đến tháng 6, sức mua tiếp tục tăng trưởng 5% so với tháng 5, đạt 24.365 chiếc.
Có thể thấy rằng, mặc dù tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường giai đoạn 6 tháng sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái song đây vẫn là một con số đáng mừng.
Bởi lẽ, đây là giai đoạn khá nhạy cảm của thị trường khi mà một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng đang có tâm lý chờ đợi một đợt giảm giá rầm rộ sau khi bước sang năm 2018.
Cơ sở cho tâm lý này là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo ATIGA, sau khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước nội khối giảm từ mức 40% của năm 2016 xuống còn 30% kể từ đầu năm nay, thuế suất cũng sẽ tiếp tục giảm về 0-5% tùy từng chủng loại từ ngày 1/1/2018.
Theo cách suy luận thông thường, với mức thuế suất 0%, giá bán lẻ ôtô nhập khẩu ASEAN, cụ thể là từ Thái Lan và Indonesia, sẽ giảm mạnh so với hiện nay. Do đó, việc người tiêu dùng chờ đợi để có thể hưởng mức giảm giá lớn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Cũng chính tâm lý này đã khiến sức mua ôtô trên thị trường 3 tháng đầu năm khá thấp và bất ổn. Tình thế khó khăn khiến các hãng ôtô buộc phải liên tiếp tung ra những chương trình kích cầu, hoặc bằng động thái giảm giá bán lẻ trực tiếp, hoặc thông qua các đợt khuyến mại giá trị lớn.
Trong số đó, Mazda và Kia là hai thương hiệu sở hữu tỷ lệ giảm giá lớn nhất, từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Không nằm ngoài cuộc, từ "ông lớn" Toyota đến các thương hiệu chiếm thị phần đáng kể khác như Honda, Ford, Hyundai, GM hay Mitsubishi… cũng đều tung ra những "chiêu" kích cầu của riêng mình.
Sau loạt chương trình giảm giá và khuyến mại, theo nhận định của VAMA, mặt bằng giá bán lẻ bình quân ở thị trường ôtô Việt Nam hiện đang rất sát với các thị trường khác trong khu vực. Bởi vậy, không hề khó hiểu khi người tiêu dùng bắt đầu rộn ràng mua sắm.
Chưa kể, nếu tìm hiểu kỹ hơn, nhiều người tiêu dùng càng có lý do để mua xe ngay trong đợt "bão" giảm giá do các hãng xe tạo nên từ đầu năm.
Trên thực tế, viễn cảnh giảm giá từ năm 2018 là không hoàn toàn sáng sủa và dễ hình dung. Theo quy định của ATIGA, để hưởng mức thuế suất 0%, các loại xe CBU buộc phải đáp ứng ít nhất một điều kiện là tỷ lệ nội địa hóa nội khối ASEAN từ 40%. Số lượng các mẫu xe đáp ứng điều kiện này cũng không phải là nhiều.
Bên cạnh đó, đa số các thương hiệu xe phổ thông hiện nay đều đang được sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam và vì vậy, các hãng xe vẫn phải tính toán để cân bằng chiến lược kinh doanh của mình.
Những cân đo đong đếm dẫn đến một quyết định có lẽ là hợp lý với phần nhiều người tiêu dùng: mua xe ngay thay vì chờ đợi.
Thực tế cũng chứng minh, trong nửa đầu năm 2017, dù tổng dung lượng thị trường giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái song riêng các loại xe du lịch lại tăng trưởng 7%. Sự sụt giảm mạnh chỉ diễn ra ở các phân khúc xe thương mại và xe chuyên dụng, giảm lần lượt 9% và 18%. Xe du lịch chính là phân khúc nằm trong "bão" giá còn xe thương mại và xe chuyên dụng thì không.
Từ tình hình thị trường 6 tháng đầu năm, nhiều dự báo cho rằng, sức mua ôtô trên toàn thị trường nửa sau của năm sẽ tiếp tục tươi sáng thay vì rơi vào ảm đạm do tâm lý đợi chờ.