Tiêu điểm

Bao giờ hết thiếu điện?

(VNF) - Có một thực tế là điện lực phía Bắc từ mấy năm qua không có dự án mới nào. Ngay cả công suất dự phòng khi thiếu điện cũng không còn. Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, tình trạng thiếu điện sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay.

Bao giờ hết thiếu điện?

Doanh nghiệp thêm gánh nặng sau đại dịch

Hơn hai tuần qua, cơn khủng hoảng thiếu điện đã lan khắp lĩnh vực, ngành nghề ở miền Bắc. Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác Hà Nội CNC (khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), chia sẻ việc mất điện đang thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường không hề thuận lợi.

“Kinh tế năm nay suy thoái kéo theo đơn hàng giảm sút. Nếu may mắn có được đơn hàng, dự án, yêu cầu kèm theo là tiến độ ngắn, gấp”, ông Châu nói. Tuy nhiên, việc mất điện sản xuất đột xuất hoặc báo trước nhưng không kịp thời, khiến doanh nghiệp bị động, khó hoàn thành được đơn hàng đúng hạn, mất uy tín với khách.

“Điện là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong sản xuất. Nhưng việc giảm tải như hiện nay sẽ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19”, ông nói.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nội địa mới chật vật, nhiều doanh nghiệp FDI lớn cũng khốn khổ khi sản xuất đình đốn, chi phí gia tăng khi điện chập chờn.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), kể rằng hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đang chịu cảnh mất điện 2-3 lần mỗi tuần. “Số lần mất điện chiếm đến nửa tuần làm việc khiến doanh nghiệp không thể sản xuất, đơn hàng bị chậm trễ, máy móc hàng hóa bị hư hỏng, trong khi các chi phí cố định vẫn phải chi trả”, ông nói. Những điều này được cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá gây thiệt hại không hề nhỏ.

Hiện, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang lo ngại chuyện có thể phải bồi thường nếu giao hàng không đúng hạn. “Nhiều doanh nghiệp rất sợ thời gian mất điện kéo dài. Vài ngày đến một tháng họ còn cố chịu, nhưng liên tục giảm điện 40% - 50% thì rất nguy hiểm”, ông Hong Sun nói. Hiện, hiệp hội đại diện cho gần 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính có biện pháp khắc phục.

Ngành điện đã hết… công suất dự phòng

Thực tế, năm nay, việc thiếu điện đã bắt đầu từ giữa tháng 5. Giữa tháng 5, khi một vài nơi ở TP. HCM bị cắt điện, báo chí hỏi ngành điện có phải vào mùa cắt điện luân phiên không, Tổng công ty Điện lực TP. HCM và Tập đoàn Điện lực Viêt Nam (EVN) khẳng định chỉ khắc phục sự cố kỹ thuật… và các ngày sau đó lịch cắt điện cũng được hoãn lại. Từ đó, ngành điện cả nước vào cuộc “gồng” mình chống… cắt điện. May mắn miền Nam cũng vào mùa mưa, áp lực thiếu điện cũng giảm.

Thế nhưng, ở miền Bắc lại khác, El Nino để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Nguồn nước ở các hồ thuỷ điện về mực nước chết, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố vì quá tải. Tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, cắt điện không chỉ luân phiên 1 - 2 giờ mà có nơi cắt từ nửa ngày đến cả ngày. Tại địa phương tiêu thụ điện nhiều cho sản xuất thì ưu tiên điện cho sản xuất vào ban ngày, ban đêm mới cấp cho người dân. Nhưng thiếu điện ở miền Bắc không chỉ do thời tiết.

Nguồn điện tại miền Bắc hiện chủ yếu trông chờ vào thủy điện và nhiệt điện nhưng cả 2 nguồn này đang gặp vấn đề. Sản lượng thủy điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm trước, chỉ đạt 12% - 15% công suất phát. Thế nên, việc thiếu điện diễn ra trên diện rộng tại khu vực này là điều dễ hiểu.

Theo thống kê của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, năm 2022, hệ thống điện cả nước có 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ), với tổng công suất 80.704 MW. Tuy nhiên, đây chỉ là công suất đặt, còn công suất khả dụng (huy động thực tế) lại khác hoàn toàn, đặc biệt khi thời tiết vào mùa khô nóng như thời gian qua. 12/12 hồ thủy điện lớn tại khu vực phía Bắc đã về mực nước chết, có nghĩa là công suất điện huy động thực tế sẽ giảm mạnh.

EVN cho hay, đến ngày 3/6, nguồn thủy điện huy động hụt 5.000 MW. Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy nguồn điện gió năm nay chỉ huy động đạt 20% công suất đặt.

Đại diện EVN cho biết: “Thực tế công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia tại nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu. Trong khi đó, hệ thống điện luôn trong tình trạng không còn công suất dự phòng. Áp lực càng lớn hơn khi EVN sẵn sàng huy động nguồn điện cao như nhiệt điện dầu để khắc phục thiếu điện mà giá thành của nhiệt điện dầu không thấp, khoảng 4.000 đồng/kWh”. Thủy điện ở Việt Nam nói chung coi như cơ bản đã khai thác hết các vị trí, công suất. Năng lượng tái tạo vừa qua tại miền Bắc gần như không có gì thay đổi. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu điện tại miền Bắc sẽ nghiêm trọng hơn. Như vậy, thiếu điện chỉ trong ngắn hạn sẽ được khắc phục, theo lời hứa của Bộ Công Thương hôm đầu tháng 6, nhưng khắc phục khi nào lại là vấn đề cần phải xem xét?

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nói thẳng: Thiếu điện sẽ không còn là nỗi lo của năm nay mà là vấn đề của những năm sau nữa. Nguồn điện không còn công suất dự phòng đã được cảnh báo từ lâu, nhưng việc chậm ban hành Quy hoạch điện 8 khiến mọi thứ “chôn chân”. Nhiều năm qua, ở phía Bắc hầu như không có thêm dự án điện nào được đầu tư mới trong khi theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung từ 3.000 - 4.500 MW mới.

“Một số dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII sửa đổi đã không được triển khai vì nhiều lý do khác nhau, nhiều địa phương không chấp nhận dự án nhiệt điện vào tỉnh mình, một số dự án lại bị khó khăn về vốn. Cả chục dự án khí LNG đã được bổ sung trong Quy hoạch điện VII tới nay vẫn chưa thể xong bước chuẩn bị đầu tư. Đáng nói hơn, các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ lắp tới công suất rất lớn, kế hoạch đến 7.000 MW vào năm 2030 cũng chưa được triển khai do vướng chính sách”, ông Ngãi dẫn chứng và nói thêm: Quy hoạch điện 8 đã chậm ban hành, song ban hành rồi vẫn chưa hướng dẫn, nên việc đầu tư triển khai 500 dự án truyền tải điện cũng đang bế tắc.

Phân tích kỹ hơn, TS Trần Văn Bình, chuyên gia năng lượng, cho hay: “Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải trong 10 năm (từ 2021 - 2030), nay chỉ còn 7 năm, phải có 1,5 tỷ USD mỗi năm để đầu tư, tức mỗi năm cần 40.000 tỷ đồng, Trên thực tế, giải ngân năm 2022 chưa bằng nửa số đó, chỉ khoảng 16.500 tỷ đồng. Thứ hai, ai cũng cho rằng hãy để tư nhân làm truyền tải, nếu mở thì có nhà đầu tư làm ngay. Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ tháng 3/2022 cho phép điều này, nhưng luật có hơn 1 năm, đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Chưa kể sau nghị định còn thông tư, vậy bao giờ nhà đầu tư tư nhân mới tham gia đầu tư không bị vướng trước, vướng sau? Hiện nhà đầu tư tư nhân làm đường truyền tải điện chủ yếu phục vụ tải điện từ nhà máy của họ tới điểm đấu nối của EVN (vốn không có trong quy hoạch điện, nên chưa biết bao giờ mới được đầu tư) để bán điện là chủ yếu”.

“Quy hoạch điện 8 lại có quy định EVN sẽ chỉ thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao. Nhưng ai giao và giao thế nào đến nay cũng không rõ. Quy hoạch có đến 500 dự án truyền tải điện, nhưng không hướng dẫn dự án nào buộc nhà nước đầu tư, dự án nào cho tư nhân tham gia, nên mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Giả sử sau khi đã được phân việc, kêu gọi đầu tư rồi, thời gian để lập dự án, xin giấy phép lại kéo dài nhiều năm nữa. Thế nên, điện thiếu không phải là câu chuyện của 3 tháng nắng nóng mà nguy cơ kéo dài khi các chính sách triển khai quá nguội”, TS Trần Văn Bình chia sẻ.

Ông Trần Viết Ngãi tính toán: Giai đoạn 2019 - 2021, có hơn 20.000 MW năng lượng tái tạo được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Còn lại, các nguồn điện khác không có bao nhiêu. Năm nay, chỉ còn 1.200 MW của nhà máy điện than Vân Phong 1 vào hoạt động, sau đó là không có thêm các nguồn nào đủ lớn để bù đắp lượng điện thiếu.

Hãy để tư nhân tham gia cung ứng điện

Để các nút thắt này được hoàn toàn tháo bỏ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng giải pháp nhanh trước mắt là tạo cơ hội cho tư nhân tham gia vào lĩnh này.“Nhưng, muốn cho tư nhân vào thì thủ tục phải nhanh, điều kiện thông thoáng, chứ cứ bắt họ chạy đi chạy lại, xin cho tốn kém, chính sách thay đổi liên tục thì không ai làm được, đây là điều kiện tiên quyết”.

Ông Thiên nhấn mạnh muốn khuyến khích thì phải tạo điều kiện thuận lợi, khi giá cả tốt hơn thì nhà đầu tư sẽ vào làm. Bên cạnh đó, nhà nước cần rút kinh nghiệm như câu chuyện giá FIT, không nên kéo dài lâu quá (cả vòng đời dự án). Thay vào đó, cơ chế giá FIT nên linh hoạt hơn, ví dụ 5 năm tính lại 1 lần.

Hiện nay, thiếu điện chủ yếu là miền Bắc. Giải pháp, theo ông Thiên, có thể là cho phép làm điện gió, năng lượng tái tạo, khuyến khích tư nhân vào làm. Và do điều kiện ngoài Bắc không được thuận lợi về gió, nắng như miền Nam thì giá cần cao hơn. Đây cũng là yếu tố đảm bảo nguyên tắc thị trường. “Vì nếu giá cả hoàn toàn như nhau, không có phân biệt, thì họ chọn miền Nam hết. Nếu muốn đưa ra miền Bắc cần tăng điều kiện cho tư nhân, cũng là cách tiếp cận thị trường”, ông Thiên nói.

Đặc biệt, theo ông Thiên, khi khuyến khích tư nhân vào thì phải hỗ trợ, tạo điều kiện, quan tâm tới lưới điện đi liền đồng bộ. “Đây là bài học rất lớn, câu chuyện liên quan đến tầm nhìn chiến lược, giải pháp cơ bản phát triển thị trường tự do, không phải hành chính quan liêu siết chặt các điều kiện. Chỉ khi ấy, vấn đề cung ứng điện mới không còn là nỗi lo và tình trạng thiếu điện mới không tiếp diễn”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM: Xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài

Thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng. Đây là yếu tố do “ông trời” quyết định chứ không phải do con người. Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa hơn nữa cần phải “mổ xẻ” là việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống. Thiếu điện đã được cảnh báo nhưng chúng ta chưa có hành động rõ ràng.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển; do đó phải thay đổi từ cách làm chính sách, phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh, như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, nhà nước cần tập trung giải quyết, các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư thì phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.

 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ: Thiếu điện không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương

Khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Công Thương, mà còn có trách nhiệm của các bộ ngành khác như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo tính toán, Chính phủ đang giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn nhà nước. Một trong những vướng mắc mà các tập đoàn, tổng công ty và Ủy ban đang gặp phải là chậm phát triển các dự án năng lượng mới. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao để hoạt động hiệu quả, đẩy nhanh các dự án điện mới.

Vì vậy, Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo, điều hành hoạt động của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có giám sát, thẩm định, thẩm tra lại những dự án mà EVN đề xuất nhằm nhanh chóng đưa những dự án vào hoạt động

 

Tin mới lên