Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) 'phất lên như diều' từ ngày Bầu Thụy nắm quyền LPBank

Vân Oanh - 07/07/2023 19:22 (GMT+7)

Sau cú bắt tay với LPBank vào năm 2020, Tổng công ty Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) liên tục thiết lập những đỉnh doanh thu mới, bất chấp đại dịch và suy thoái kinh tế...

VNF
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank.

Bầu Thụy đưa Bảo hiểm Xuân Thành vào LPBank như thế nào?

Ngày 6/7, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) công bố nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt lựa chọn Tổng công ty Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) là đơn vị cung cấp bảo hiểm xe ô tô và dịch vụ thu hộ, chi hộ bảo dưỡng sửa chữa cho xe ô tô của ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy (thường được biết đến là bầu Thụy) đích thân ký ban hành quyết nghị này. Sở dĩ, LPBank phải công khai thông tin vì đây là giao dịch giữa ngân hàng với tổ chức liên quan đến người nội bộ - gia đình ông Nguyễn Đức Thụy.

Theo đó, Bảo hiểm Xuân Thành vốn là doanh nghiệp được chèo lái bởi người thân của Chủ tịch LPBank. Từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Thùy - em trai của ông Nguyễn Đức Thụy đã là nhân vật quyền lực nhất, nắm giữ cương vị chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc Bảo hiểm Xuân Thành.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thùy từ tháng 4/2023 còn nhận thêm trọng trách lớn tại LPBank, đó là phó chủ tịch HĐQT, không lâu sau khi bầu Thụy củng cố quyền lực và bước lên vị trí cao nhất của ngân hàng này.

Cùng lúc, LPBank đón một nhân vật khác là "cánh tay mặt" của bầu Thụy vào chiếc ghế phó tổng giám đốc. Người được nhắc đến là ông Đoàn Nguyên Ngọc - em rể của bầu Thụy, và cũng là phó chủ tịch Bảo hiểm Xuân Thành.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa LPBank và Bảo hiểm Xuân Thành trở nên bền chặt không chỉ phản ánh qua hoạt động bổ sung nhân sự cấp cao, mà trước đó hai bên đã xây dựng những quan hệ kinh tế nhất định.

Bước ngoặt diễn ra từ tháng 8/2020, LPBank (khi ấy là LienVietPostBank) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bảo hiểm Xuân Thành, theo đó, LPBank sẽ giới thiệu và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Xuân Thành đến khách hàng có nhu cầu tham gia bảo hiểm qua mạng lưới các điểm giao dịch trên toàn hệ thống. Ngược lại, phía Bảo hiểm Xuân Thành và các đơn vị trực thuộc cũng sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ ngân hàng của LPBank.

Nên biết, mảng bảo hiểm tại LPBank trước kia thuộc về Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - đối tác thân thuộc có nhiều năm hợp tác với LPBank trên hàng loạt sản phẩm bảo hiểm giá trị.

Cũng trong khoảng thời gian này, bầu Thụy đang thực hiện kế hoạch tăng dần tỷ trọng sở hữu tại LPBank; để rồi đến năm 2021 chính thức lộ diện, góp mặt vào HĐQT ngân hàng, tạo bước đệm nhảy lên cương vị chủ tịch HĐQT từ cuối năm 2022.

Có thể nói, mối duyên LPBank - Bảo hiểm Bưu điện dần phai nhạt, và đang đến hồi kết thúc dưới sự ảnh hưởng của bầu Thụy. Minh chứng khác là trong tháng 6/2023 vừa qua, Chủ tịch LPBank đã ký ban hành nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt thay đổi đơn vị cung cấp bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc hệ thống của LPBank.

Cụ thể, LPBank chấm dứt hợp đồng nguyên tắc đối với Bảo hiểm Bưu điện, đồng thời ký kết hợp đồng nguyên tắc mới với Bảo hiểm Xuân Thành. Mặc dù giá trị hợp đồng không được tiết lộ, song cần biết LPBank là ngân hàng sở hữu mạng lưới rộng lớn với gần 1.200 trụ sở làm việc trên toàn quốc.

Cũng từ tháng 6, LPBank ra mắt tính năng mua bảo hiểm của Bảo hiểm Xuân Thành trên ứng dụng điện thoại Lienviet24h. Mục tiêu của chiến dịch là giúp khách hàng chủ động lựa chọn sản phẩm bảo hiểm Xuân Thành và có thể tham gia bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào thông qua hình thức trực tuyến...

"Phất" như Bảo hiểm Xuân Thành

Tổng công ty Bảo hiểm Xuân Thành có tên "khai sinh" là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn (GMIC), thành lập và hoạt động từ cuối năm 2009. Tháng 7/2011, GMIC gỡ bỏ thương hiệu cũ, thay thế bởi tên gọi Bảo hiểm Xuân Thành ngày nay. Đại bản doanh đang đặt ở tòa nhà Thaiholdings (Hà Nội).

Về kết quả kinh doanh, trước năm 2017 (giai đoạn người nhà bầu Thụy chưa ra mặt), Bảo hiểm Xuân Thành hoạt động khá mờ nhạt, doanh thu mỗi năm dao động khoảng 180 tỷ đồng - 215 tỷ đồng, chủ yếu là phí bảo hiểm gốc.

Sang năm 2017, từ khi ông Đoàn Nguyên Ngọc nhận vai trò tổng giám đốc, doanh thu của Bảo hiểm Xuân Thành lần đầu chinh phục ngưỡng 300 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn ở mức thấp chỉ với 2 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với năm trước đó.

Các năm sau, doanh nghiệp kinh doanh khá phập phù với những khoản doanh thu, lợi nhuận tăng giảm đan xen trên biên độ dao động thấp.

Chỉ khi đến năm 2020, dù đại dịch hoành hành gây ra nhiều phiền lụy cho nền kinh tế, nhưng cú bắt tay với LPBank đã tạo động lực cho Bảo hiểm Xuân Thành vươn lên mốc doanh thu 474 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó, là doanh nghiệp hiếm hoi có tăng trưởng giữa mùa dịch.

Năm 2021 - 2022, Bảo hiểm Xuân Thành giữ vững tốc độ tăng trưởng, với doanh thu lần lượt đạt 558 tỷ đồng và 771 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng lớn vẫn là mảng kinh doanh bảo hiểm). Mặc dù báo cáo tài chính công khai của Bảo hiểm Xuân Thành chỉ là bản tóm tắt và không được thuyết minh chi tiết, song dư luận có cơ sở tin rằng sự hợp tác với LPBank là yếu tố then chốt thúc đẩy doanh thu của họ trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, như "một nét truyền thống", bất luận doanh thu có mở rộng tới các tầm cao mới, Bảo hiểm Xuân Thành vẫn duy trì mức lợi nhuận sau thuế ở mức thấp, thậm chí mang đậm tính "tượng trưng" chỉ trên 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của gia đình ông Nguyễn Đức Thụy cũng đẩy khối tài sản của Bảo hiểm Xuân Thành tăng "phi mã". Tiêu biểu năm 2017, doanh nghiệp kết thúc năm với tài sản đạt 900 tỷ đồng, trong đó, tập trung tăng ở khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (từ 286 tỷ đồng lên 644 tỷ đồng); về phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu tăng gấp đôi lên 614 tỷ đồng, cho thấy tiềm lực tài chính đáng nể của gia đình bầu Thụy.

Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Bảo hiểm Xuân Thành cán mốc 1.534 tỷ đồng, tăng thêm 300 tỷ đồng sau một năm; doanh nghiệp phân bổ tài sản vào các hạng mục chính, như đầu tư tài chính ngắn hạn (678 tỷ đồng), khoản phải thu ngắn hạn (490 tỷ đồng), tài sản tái bảo hiểm (239 tỷ đồng)...

Phía bên kia, nợ phải trả của Bảo hiểm Xuân Thành cũng tăng nhanh, đạt hơn 910 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2021, gần như toàn bộ đều là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 624 tỷ đồng; lỗ lũy kế hơn 57 tỷ đồng.

Ngày 6/7, Công ty TP. Ninh Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Hồng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.

Ông Lê Văn Hồng là Giám đốc Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An (trực thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Xuân Thành).

Theo điều tra của cơ quan công an, ông Hồng làm việc tại Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An (địa chỉ ở TP. Ninh Bình) trong giai đoạn 2021-2022 với vai trò là cố vấn, sau này là giám đốc.

Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm này có bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho 2 xe ô tô.

Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An đã phối hợp với chủ phương tiện 2 xe ô tô trên để thu thập tài liệu hồ sơ giải quyết chi trả tiền bảo hiểm theo quy định.

Tuy nhiên, khi có thông tin vụ tai nạn, ông Hồng đã mua bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm Bưu điện cho 2 xe ô tô và nhờ Lê Thanh Hải, Trần Thị Hoa (cùng trú tại Thanh Hóa) nhận là chủ xe, sau đó chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa nội dung, hoàn thiện thành các hồ sơ giả gửi 2 doanh nghiệp bảo hiểm này để trục lợi số tiền 450 triệu đồng.

Hiện tại, vụ việc được Công an TP. Ninh Bình tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo KTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác