Bất chấp đe dọa từ Mỹ, ít nhất 13 nước muốn mua ‘rồng lửa’ S-400 của Nga

Thanh Tú - 15/11/2018 11:49 (GMT+7)

(VNF) - Ít nhất 13 nước quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga bất chấp việc Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, CNBC dẫn nguồn tin thân cận của giới tình báo Mỹ cho hay.

VNF
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Trong bối cảnh các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo liên tục ghi nhận "những kết quả hoạt động tồi tệ", các nước đang dần chuyển hướng sang “rồng lửa” S-400 của Nga dù luôn phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt cấm vận.

Nguồn tin thân cận của giới tình báo Mỹ tiết lộ có ít nhất 13 nước tỏ ra đặc biệt quan tâm và muốn có hệ thống tên lửa phòng không trong kho vũ khí, có thể kể đến vài cái tên như Arab Saudi, Qatar, Morocco, Ai Cập, Iraq...

Các chuyên gia quân sự cho rằng điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì S-400 được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có những ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.

Tên lửa S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu tiềm năng, kể cả máy bay tàng hình.

"Đây là tổ hợp có thể sử dụng nhiều loại tên lửa, gồm tên lửa tầm xa, tầm trung và thậm chí cả tầm ngắn theo nhu cầu của bên sử dụng", theo nhà phân tích quân sự Kevin Brand thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế.

Ông Brand cũng cho rằng các đặc tính của S-400 như hoạt động ổn định, độ linh hoạt và cơ động cao là điều mà nhiều quốc gia đang tìm cách phát triển cho mạng lưới phòng không của mình.

S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km và cao 40–50 km.

Theo các chuyên gia quân sự, phòng không là một thế mạnh mang tính lịch sử của Nga. Bởi vậy, mẫu tên lửa hiện đại như S-400 được cho là sở hữu những năng lực mà các tổ hợp tương tự của Mỹ và đồng minh không thể có được. 

Bên cạnh đó, tính hiệu quả và giá cả phải chăng cũng là lợi điểm của vũ khí và thiết bị quân sự Nga, và đó cũng được cho là lý do quan trọng nhất mà khách hàng ưa chuộng vũ khí Nga.

Việc Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ cũng là lý do khiến vũ khí Nga nói chung và tổ hợp S-400 nói riêng được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Tốc độ lấn chiếm thị phận nhanh chóng của hệ thống S-400 đã khiến Washington đặc biệt lo lắng.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/9 đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tiêm kích Su-35S và tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Trung Quốc vốn là khách nước ngoài đầu tiên mua tổ hợp phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. Tổ hợp này đã được bàn giao đầy đủ cho Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa qua, gồm trạm chỉ huy, đài radar, xe phóng, tên lửa, máy phát điện cùng nhiều thiết bị khác.

Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, "mục tiêu của những lệnh cấm vận này thực chất là nhắm tới Nga".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/10 mới đây cũng đã chính thức ký thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD để mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Động thái này của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ rằng việc nước này mua hệ thống quân sự hiện đại của Nga có thể hủy hoại hợp tác quốc phòng và chia sẻ công nghệ giữa Washington và New Delhi, cũng như khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang hai nước.

Arab Saudi, một trong số những đồng minh thân cận và khách hàng lâu đời của Mỹ vừa trở thành quốc gia mới nhất "sốt sắng" mong sớm tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

Cụ thể, vương quốc Ả Rập này, cùng với Qatar, Bahrain, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả đều là những nước từng nằm trong vùng ảnh hưởng của phương Tây thời kỳ chiến tranh Lạnh, đang đẩy mạnh quá trình đàm phán với Nga về thời gian tiếp nhận S-400.

Về phần mình, Mỹ từng mạnh mẽ đe dọa tất cả các khách hành tiềm năng của S-400 bằng đòn đánh kinh tế theo Đạo luật Chống các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA).

Xem thêm >> Nối lại tập trận với Mỹ, Hàn Quốc lại ‘chọc giận’ Triều Tiên

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác