Tài chính

Bất ngờ nhân tố Vietravel Airlines, 'cuộc chơi' hàng không Việt ngày càng gay cấn?

Cho rằng mới chỉ có 5 hãng bay tại Việt Nam là còn ít, lãnh đạo Vietravel chia sẻ dự định sẽ đầu tư hãng hàng không Vietravel Airllines có trụ sở đặt tại Huế. Liên tục xuất hiện thêm đối thủ, thế nhưng Vietnam Airlines vẫn báo lãi lớn năm 2018 và cổ phiếu vẫn tăng khá mạnh trên sàn.

Bất ngờ nhân tố Vietravel Airlines, 'cuộc chơi' hàng không Việt ngày càng gay cấn?

Cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa sẽ ngày càng khốc liệt hơn với sự xuất hiện thêm những tên tuổi mới.

Giằng co đầu phiên song cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong phiên giao dịch ngày 15/1/2019 vẫn đạt được mức tăng 0,8% lên 36.800 đồng/cổ phiếu.

Đến nay, HVN đã tăng giá gần 7,3% trong vòng 1 tháng giao dịch dù vẫn còn cách mức đỉnh hơn 57.000 đồng của hồi đầu năm ngoái một khoảng cách khá xa.

Diễn biến của cổ phiếu HVN nhìn chung vẫn tăng trưởng khá tốt bất chấp sự cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không đang ngày càng khắc nghiệt do sự xuất hiện của những gương mặt mới.

Theo thông tin trên TBKTSG, tại một sự kiện diễn ra hôm 14/1, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel đã chia sẻ dự định sẽ đầu tư hãng hàng không Vietravel Airllines có trụ sở đặt tại Huế để khai thác thị trường còn đầy tiềm năng này.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, với quy mô dân số gần 100 triệu dân và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm và đạt mức 15,5 triệu lượt khách, chỉ có 5 hãng hàng không là còn ít.

Như vậy, nếu dự định của ông Kỳ thành hiện thực thì thị trường hàng không Việt Nam sẽ có thêm hãng hàng không thứ 6 bên cạnh 5 hãng hàng không đã được cấp phép là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vasco.

Báo cáo của Vietnam Airlines mới đây cho thấy, trong năm 2018 vừa qua, hãng bay này ước đạt tổng doanh thu hợp nhất khoảng 102.000 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất 2.800 tỷ đồng (lần lượt vượt 5% và 16% kế hoạch năm).

Sau 2 năm đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, Vietnam Airlines tới đây sẽ niêm yết toàn bộ 1.418.290.847 cổ phiếu trên sàn HSX, tương ứng số vốn điều lệ gần 14.183 tỷ đồng.

Hiện tại, HVN đang là một trong những mã cổ phiếu có sức ảnh hưởng với chỉ số UPCoM-Index. Phiên này, dù HVN tăng giá song chỉ số sàn này vẫn sụt nhẹ 0,05% còn 53,11 điểm.

Trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn đạt mức tăng 7,88 điểm tương ứng 0,87% lên 909,68 điểm và HNX-Index cũng tăng mạnh 1,01 điểm tương ứng 0,99% lên 102,58 điểm.

Diễn biến thị trường chung thuận lợi với 348 mã tăng giá, 30 tăng trần so với 213 mã giảm, 38 mã giảm sàn.

Tuy nhiên, thanh khoản vẫn thấp với tổng cộng 127,19 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 2.766 tỷ đồng và 22,99 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 302,17 tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận có 842 mã cổ phiếu không xảy ra giao dịch.

Phiên này, VHM đóng vai trò lớn khi đóng góp tới 2,66 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, chỉ số chính cũng nhận được hỗ trợ đáng kể từ TCB, VCB, BID, MSN… Ngược lại, những mã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số là TPB, SAB, VNM, VJC.

Theo cập nhật của VDSC, trên sàn HSX, khối nhà đầu tư ngoại đã thực hiện mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp với giá trị 64 tỷ đồng. Các cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất là VNM, VRE và MSN. Các cổ phiếu có giá trị bán ròng cao nhất là HPG, DCM và SSI. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 6 tỷ đồng.

“Chỉ số đi lên với tình trạng thanh khoản thấp không phải là yếu tố đáng lo ngại. Thị trường có thể duy trì xu hướng trong ngắn hạn nên khuyến nghị lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với mục tiêu an toàn cho danh mục. Cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng có nhiều lựa chọn nhưng nhà đầu tư nên chú trọng yếu tố cơ bản đối với nhóm cổ phiếu này”, VDSC lưu ý.

Xem thêm >> Giá cao su tăng 40% sau hai tháng: Không có 'phép màu' nào cho bầu Đức

Tin mới lên