Bầu cử Mỹ chạy 'nước rút', Elon Musk bị kiện vì 'xổ số triệu đô'
(VNF) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tiến tới giai đoạn căng thẳng nhất khi các ứng viên đã tới vận động trực tiếp tại các tiểu bang miền Nam, trong khi hơn 71 triệu cử tri đã tiến hành bỏ phiếu sớm.
Bầu cử Mỹ tới chặng "nước rút"
Ngày 2/11, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã tập hợp tại các tiểu bang miền nam, ông Trump dừng chân tại Bắc Carolina và Virginia còn bà Harris đến thăm Georgia và Bắc Carolina.
Dự kiến, ông Trump sẽ tổ chức một vận động thứ hai tại Bắc Carolina vào tối 2/11 (giờ địa phương), trong khi bà Harris xuất hiện trên chương trình truyền hình "Saturday Night Live".
Tính tới ngày 2/11, hơn 71,5 triệu người Mỹ đã tham gia bầu cử sớm qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu trực tiếp sớm, bắt đầu thuận lợi trong việc định hình cuộc đua tổng thống giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, ngày 31/10, theo Forbes, một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hiện đang dẫn trước ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump với tỷ lệ tán thành 49% so với mức 48%.
Tuy nhiên, trong những ngày còn lại trước cuộc bầu cử, tỷ lệ ủng hộ vẫn còn dư địa để thay đổi, vì khoảng 10% cử tri tiềm năng và 16% cử tri đã đăng ký cho biết họ vẫn đang cân nhắc các lựa chọn của mình.
Ngoài ra, tại 7 bang xung đột quan trọng có thể xác định người chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử, ông Trump cũng đang "bám sát nút" bà Harris với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 48% và 49%.
Đáng chú ý, chỉ mới tuần trước, ông Trump còn là người "chiếm thế thượng phong" với tỷ lệ ủng hộ 50%, trong khi bà Harris có 46%.
Một cuộc thăm dò được công bố gần đây cũng khiến giới chính trị bất ngờ khi cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump tại Iowa - tiểu bang có 6 phiếu đại cử tri mà ông Trump từng giành chiến thắng 4 năm trước trước Tổng thống Joe Biden.
Việc hai ứng viên đang bám đuổi sát nút trong khi thời điểm bầu cử chính thức chỉ còn 2 ngày khiến chặng đua vào Nhà Trắng năm nay trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Tây Ban Nha gặp thảm hoạ lũ lụt tệ nhất châu Âu trong 70 năm
Tây Ban Nha vừa trải qua trận lũ quét chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại, khiến ít nhất 211 người thiệt mạng. Thảm kịch này đã trở thành thảm họa liên quan đến lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ năm 1967, khi ít nhất 500 người thiệt mạng ở Bồ Đào Nha.
Trước đó, Bão lớn ở Địa Trung Hải hôm 29/10 gây ra mưa lớn và lũ quét, cuốn trôi người dân và phá hủy nhà cửa, trong đó vùng Valencia là khu vực hứng thiệt hại nặng nhất.
Lũ lụt đã tàn phá cơ sở hạ tầng thành phố Valencia, cuốn trôi cầu, đường và đường ray xe lửa, đồng thời nhấn chìm đất nông nghiệp ở một khu vực trồng các loại cây có múi chính tại Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Oscar Puente cho biết khoảng 80 km đường ở khu vực phía Đông đã bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc không thể đi qua. Nhiều tuyến đường bị chặn bởi những chiếc ô tô bị bỏ lại. Theo quan chức này, sẽ mất 2-3 tuần để thể thiết lập lại kết nối tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid.
Cơ quan khí tượng Tây Ban Nha AEMET đã phát cảnh báo đỏ tại vùng Valencia vào sáng 29/10, song phải đến 20h lực lượng phòng vệ dân sự mới ra thông điệp yêu cầu cư dân Paiporta không ra khỏi nhà.
Trước thời điểm nước lũ tràn về, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy cơn bão này sẽ nguy hiểm hơn những cơn bão trước đó. Vì vậy, nhiều người dân chỉ xuống garage dưới căn hộ của mình để chuyển ôtô lên chỗ cao hơn thay vì đi sơ tán.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, cơn bão gây ra lũ lụt lần này tại Tây Ban Nha hình thành do sự tương tác giữa không khí lạnh và nước biển ấm ở Địa Trung Hải, một hiện tượng khá phổ biến vào thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, khoảng 70.000 hộ gia đình vẫn chưa có điện sinh hoạt và lính cứu hỏa đang phải rút xăng từ ôtô bị bỏ lại để có nhiên liệu chạy máy phát điện cho người dân.
EU chính thức áp thuế bổ sung với xe điện Trung Quốc
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/10 đã kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp của mình bằng cách áp dụng thuế chống trợ cấp dứt khoát đối với xe điện chạy bằng pin nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phán quyết cuối cùng nêu rõ mức thuế cao nhất là 35,3% sẽ được áp dụng cho xe điện từ công ty nhà nước Trung Quốc SAIC Motor và các công ty con, ngoài mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả xe điện nhập khẩu.
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD và Geely sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung lần lượt là 17% và 18,8%. Mức thuế bổ sung này sẽ có hiệu lực sớm nhất vào ngày 30/10 và sẽ kéo dài trong 5 năm.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết họ "không công nhận cũng không chấp nhận" phán quyết cuối cùng của EU về cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất và đã đệ đơn kiện lên WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.
Bộ này đồng thời cam kết sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại và đang tiến hành "giai đoạn tham vấn mới" với khối châu Âu.
Loạt ông lớn công nghệ công bố BCTC
Mùa thu nhập của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã bắt đầu vào tuần này. Đáng ngạc nhiên là mặc dù kết quả tài chính rất ấn tượng nhưng lại không "tạo sóng" trên thị trường. Điều này có thể là do kỳ vọng của nhà đầu tư quá cao nên chỉ riêng lợi nhuận vượt quá kỳ vọng không thể đáp ứng được họ.
Ngày 30/10, báo cáo tài chính của Microsoft công bố cho thấy doanh thu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu trong quý đầu tiên của hãng tốt hơn kỳ vọng của thị trường và lợi nhuận ròng của hãng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cổ phiếu công ty đã giảm 6,1% vào phiên 31/10 trước những dự báo thận trọng của công ty cho quý tiếp theo.
Giá cổ phiếu Meta và Apple cũng có diễn biến tương tự, thậm chí cổ phiếu Alphabet còn giảm 1,9% vào phiên 31/10, mặc dù đã tăng gần 3% sau báo cáo thu nhập vào ngày 30/10.
Meta đã báo cáo doanh thu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn dự kiến trong quý III và thậm chí còn dự báo doanh thu quý IV trong khoảng từ 45 tỷ đến 48 tỷ USD, với dự báo trung bình là 46,5 tỷ USD, tốt hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 46,31 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty đã giảm 4,09% vào phiên 31/10.
Apple cũng công bố doanh thu và thu nhập điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu vượt kỳ vọng trong báo cáo tài chính hàng quý, trong khi giá cổ phiếu của Apple đóng cửa giảm 1,82% trong cùng ngày.
Alphabet, công ty mẹ của Google, đã báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý III vượt quá mong đợi sau khi thị trường đóng cửa ngày 29/10. Công ty cũng hào hứng cho biết các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo của mình “đang mang lại kết quả”.
Khoản lỗ từ các công ty công nghệ lớn này cũng kéo Chỉ số Nasdaq Composite xuống, giảm 2,76% vào phiên 31/10; chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,86% trong cùng ngày. Hai chỉ số chính chịu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 6/9, đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Mỹ bị xoá bỏ hết mức tăng ghi nhận trong tháng 10.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan rằng các cổ phiếu công nghệ lớn sẽ thúc đẩy sự tăng giá của chứng khoán Mỹ.
Solita Marcelli, giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, cho biết: “Sự tăng trưởng liên tục trong chi tiêu vốn liên quan đến trí tuệ nhân tạo được báo cáo bởi ba gã khổng lồ công nghệ lớn Microsoft, Alphabet và Meta hỗ trợ các xu hướng cấu trúc tích cực.”
Elon Musk bị kiện vì "xổ số triệu đô"
Ngày 30/10, một Tòa án tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) đã triệu tập tỷ phú Elon Musk liên quan vụ kiện về việc tổ chức chính trị của ông tặng 1 triệu USD cho cử tri trước ngày bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.
Trước đó, Văn phòng cơ quan tư pháp Philadelphia ngày 28/10 đã khởi kiện America PAC (một ủy ban hành động chính trị được ông Musk thành lập nhằm tài trợ cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump) về việc tặng tiền ngẫu nhiên cho cử tri tại các bang chiến địa.
Bên nguyên đơn cho rằng việc tặng tiền này là "trò xổ số trái phép", dụ dỗ cư dân bang Pennsylvania để cung cấp dữ liệu cá nhân của họ. Thẩm phán đã ra lệnh tất cả các bên trong vụ kiện phải có mặt tại Tòa án ở Philadelphia vào ngày 31/10.
Theo yêu cầu của các công tố viên, thẩm phán tòa án Philadelphia đã ra lệnh cho ông Musk tham dự phiên điều trần vào sáng ngày 31/10 theo giờ địa phương để thảo luận về kế hoạch xổ số trị giá hàng triệu USD của mình. Nhưng Musk sau đó đã đưa ra yêu cầu chuyển vụ việc từ Pennsylvania sang cơ quan tài phán liên bang và đã được thẩm phán chấp thuận, khiến phiên điều trần hôm 31/10 không thể tổ chức.
Trước đó, để vận động phiếu bầu cho ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump, ông Musk đã kêu gọi các cử tri đã đăng ký ở Mỹ, đặc biệt là những cử tri ở các bang xung đột có thể quyết định kết quả bầu cử, ký một lá thư chung với ông ủng hộ Tu chính án thứ nhất (liên quan đến quyền tự do ngôn luận) và Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ "Đơn thỉnh cầu" sửa đổi (liên quan đến quyền tự do sử dụng súng).
Để thu hút nhiều người ký tên thỉnh nguyện, Musk hứa sẽ "chi 1 triệu USD mỗi ngày" để trao thưởng ngẫu nhiên cho những cử tri đã đăng ký tham gia kiến nghị.
Vào thời điểm cuộc bầu cử Mỹ đang bế tắc, động thái của ông Musk đã gây tranh cãi lớn và còn gây rắc rối pháp lý cho chính ông. Một số người trong ngành luật cho rằng động thái của tỷ phú Tesla là “vượt quá giới hạn”.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã gửi thư cảnh báo America PAC rằng việc tặng tiền cho cử tri có thể vi phạm luật liên bang vốn cấm trả tiền cho người dân để đăng ký bỏ phiếu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích cách tiếp cận của ông Musk và gọi xổ số là “hoàn toàn không phù hợp”.
Nền kinh tế bạc: Châu Á 'biến nguy thành cơ'
- Công nghiệp ô tô Đức có thể mất 186.000 việc làm vì xe điện 03/11/2024 09:45
- Hậu bầu cử ở Mỹ: Số người giàu lên kế hoạch rời bỏ đất nước tăng kỷ lục 02/11/2024 10:45
- Nvidia 'thế chân' Intel trong chỉ số Dow Jones 02/11/2024 10:30
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.