Thị trường

Bị Cục Quản lý Dược thu hồi thuốc, Dược phẩm Pharbaco đang làm ăn thế nào?

(VNF) - Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I - Pharbaco phối hợp với nhà phân phối thuốc thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) do vi phạm mức độ 3.

Bị Cục Quản lý Dược thu hồi thuốc, Dược phẩm Pharbaco đang làm ăn thế nào?

Dược phẩm Pharbaco làm ăn thế nào sau khi bị Cục Quản lý Dược thu hồi thuốc?

Thu hồi toàn quốc lô thuốc viên nén Paineuron 15 của Dược phẩm Pharbaco

Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, ngày 2/8/2023, Cục Quản lý Dược nhận được công văn số 544 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương gửi kèm các phiếu kiểm nghiệm báo cáo kết quả kiểm nghiệm đối với các mẫu thuốc viên nén Paineuron 15 (số lô: 83034, NSX: 29/1/2023, HD: 28/1/2026) được lấy mẫu bổ sung. Theo đó, các mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Như vậy, lô thuốc viên nén Paineuron 15 (số GĐKLH: VD-32650-19, số lô: 83034, NSX: 29/1/2023, HD: 28/1/2026) nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 3. Vì vậy, Cục Quản lý Dược quyết định thu hồi toàn quốc viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) do Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I – Pharbaco sản xuất.

Thông báo về việc thu hồi toàn quốc lô thuốc viên nén Paineuron 15 của Dược phẩm Pharbaco

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I - Pharbaco phối hợp với nhà phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.

Đồng thời, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 33 ngày kể từ ngày ký công văn (ngày 10/8). Hồ sơ thu hồi bao gồm: số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định.

Cùng với đó, Sở Y tế thành phố Hà Nội kiểm tra và giám sát Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I - Pharbaco thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Dược phẩm Pharbaco đang kinh doanh ra sao?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (Dược phẩm Pharbaco), doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 312,2 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 61,9 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, công ty có các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, lần lượt tương ứng 19,8% và 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc quý II/2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 17,1 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Dược phẩm Pharbaco giảm 2,465 tỷ đồng, xuống còn 8,6 tỷ đồng, tương đương giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Dược phẩm Pharbaco đạt 610,3 tỷ đồng, tăng 132,2 tỷ đồng, tương đương tăng 27,6% so với năm trước. Lợi nhuận thuần của công ty là 41,8 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với con số 19,7 tỷ đồng của năm trước.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm trước, song Dược phẩm Pharbaco vẫn ghi nhận khoản lãi 32,3 tỷ đồng, tăng 115% so với con số 15 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại ngày 30/6/2023, tổng cộng tài sản của Dược phẩm Pharbaco là 3.217,7 tỷ đồng, tăng 11% so với con số 2,897 tỷ đồng hồi đầu năm.

Ở tài sản ngắn hạn, Dược phẩm Pharbaco có hơn 3,6 tỷ đồng tiền mặt và 205,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Công ty còn có 70 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (là khoản tiền gửi tại ngân hàng theo hợp đồng tiền gửi số 068051022012 ngày 5/10/2022 với số tiền là 70 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất ban đầu là 7%/năm).

Tiếp đó, công ty còn có hơn 138,87 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, gồm: Công ty Cổ phần Appollo Oil hơn 48,55 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại và dược phẩm Thiên Y hơn 3,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thương mại Vina Úc hơn 1,3 tỷ đồng và các đối tượng khác gần 85 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có hơn 304 tỷ đồng tiền trả trước cho người bán ngắn hạn và gần 27 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.

Hàng tồn kho của Dược phẩm Pharbaco là 319,2 tỷ đồng, tăng 15,2% so với hồi đầu năm. Tại ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho kém mất phẩm chất, ngả màu,… không có khả năng tiêu thụ là hơn 795 triệu đồng, các lô hàng này công ty sẽ thực hiện tiêu huỷ trong các tháng tiếp theo. Ngoài ra, công ty còn có hơn 176,1 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác.

Trong khi đó, tài sản dài hạn của Dược phẩm Pharbaco tại ngày 30/6/2023 là hơn 2.044 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu dài hạn là 19,4 tỷ đồng; hơn 122,8 tỷ đồng tài sản cố định.

Đáng chú ý, tài sản dở dang dài hạn của công ty lên tới 1.885,7 tỷ đồng, gồm: dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU 2 giai đoạn (là dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, trong đó PMU1: 1.300 tỷ đồng và PMU2: 600 tỷ đồng); nhà máy WHO gần 1,1 tỷ đồng; dự án điện gió hơn 814 triệu đồng và hơn 26,8 tỷ đồng dự án Trung tâm thương mại giao nhận và trung chuyển hàng hoá Nội Bài.

Tính đến 30/6/2023, tổng cộng nguồn vốn của Dược phẩm Pharbaco là 3.217,7 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm 904,6 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 1.072 tỷ đồng, lần lượt tăng tương ứng 22,7% và 19,8% so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn nợ ngắn hạn là vay ngắn hạn hơn 661,5 tỷ đồng.

Dược phẩm Pharbaco đang là "con nợ" của nhiều ngân hàng thương mại

Đáng chú ý, Dược phẩm Pharbaco đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Long Biên. Tài sản đảm bảo rất đa dạng từ toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có tại dự án đầu tư giai đoạn 1 (PMU1) và PMU2; các tài sản khác đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Hà Đông.

Ngoài ra, Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco cũng có khoản vay với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội. Cụ thể là hợp đồng tín dụng số 01/22 ngày 19/9/2022 với hạn mức cấp tín dụng là 32 tỷ đồng.

Cầm cố tài sản là các khoản tiền gửi có kỳ hạn của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Hà Nội theo các hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá số 01/2014 ký ngày 5/5/2014; số 02/2014 ký ngày 26/9/2014 và số 01/2015 ký ngày 25/4/2015. Ngoài ra, còn có khoản thế chấp hàng tồn kho thu luận chuyển trên sổ sách của khách hàng theo hợp đồng thế chấp số 01/2021 ký ngày 27/5/2021.

Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương I – Pharbaco tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm TW 1 được thành lập từ năm 1954. Năm 2007, đơn vị thực hiện chủ trương cổ phần hóa và được chuyển đổi thành Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương I – Pharbaco.

Công ty sản xuất, nghiên cứu, kinh doanh các loại dược phẩm, cung cấp thuốc.

Xem thêm: Đầu tư nhà máy dược phẩm 1.200 tỷ, Danapha đang làm ăn ra sao?

Tin mới lên